Gánh nặng kép dinh dưỡng ở Việt Nam

Cập nhật: 10/19/2020 - Lượt xem: 5493

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đó là tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tăng nhanh và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm chậm.

 
Theo kết quả giám sát về tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong năm 2010 và 2018, tỷ lệ trẻ nhẹ cân giảm khoảng trên 4%; tỷ lệ trẻ thấp còi giảm khoảng 6%. Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng trên 1%.

Tình trạng thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ.

Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Đây là một thực trạng báo động về gánh nặng kép dinh dưỡng tại Việt Nam. Tình trạng thừa dinh dưỡng thì mới nổi lên, nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh chóng. Đặc biệt, ở khu vực thành thị và các thành phố lớn, mức độ gia tăng thừa cân béo phì (các thể thừa dinh dưỡng) gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, nước ta vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng.

Gánh nặng về dinh dưỡng nhân đôi, nguyên nhân là do phụ huynh còn thiếu thực hành về dinh dưỡng, dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống… và còn đến từ một số sai lầm trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.

Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn lưu ý: Phụ huynh cần thực hành đúng về dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, phải có những chăm sóc toàn diện khác ngoài mặt dinh dưỡng như: chăm sóc về mặt sức khỏe, trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ... Trẻ cần được sống trong môi trường thuận lợi, sạch sẽ, kể cả vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Trẻ phải được khuyến khích lối sống lành mạnh.

Suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì đan xen nhau là nguy cơ gây ra nhiều bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, ung thư. Chính vì vậy, để giải quyết được tình trạng gánh nặng kép dinh dưỡng, yếu tố quan trọng nhất là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mỗi người, mỗi nhà.
 
Nguồn: vtv.vn