Lời khuyên số 10. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.

Cập nhật: 5/17/2019 - Lượt xem: 4698

1. Tăng cường hoạt động thể lực

 

Thừa cân và béo phì hiện đang là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng hàng đầu không những ở các quốc gia phát triển mà đang không ngừng gia tăng với tốc độ báo động, song song với tình trạng thiếu dinh dưỡng ở cả các nước đang phát triển.

 

Người ít hoạt động thể lực, sống tĩnh tại thường có nguy cơ thừa cân, béo phì và mắc các bệnh tim mạch. Người lao động thể lực cần được ăn đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng và được nghỉ ngơi hợp lý sau mỗi ngày làm việc để cơ thể hồi phục. Phối hợp giữa ăn uống hợp lý, điều độ và lối sống năng động sẽ giúp cơ thể giữ được thân hình cân đối, khỏe, đẹp và khả năng lao động sáng tạo, góp ích cho gia đình và xã hội. 

 

 Mọi người cần rèn luyện thể dục thể thao, ăn uống hợp lý để duy trì cân nặng nên có. 

 

 

 Với người già cần duy trì một mức hoạt động thể lực thích hợp, đều đặn như đi bộ, bơi…Nên tránh những hoạt động thể lực nặng, gắng sức. 


 Trẻ em ngoài việc chú ý nuôi dưỡng,chăm sóc cần tạo mọi điều kiện cho trẻ hoạt động thể lực, tập luyện, vui chơi ở ngoài trời để kích thích cơ thể phát triển, tổ chức xương cũng cứng cáp, hoàn chỉnh các chức phận của hệ thống tim mạch, hô hấp, vận động…. 

 

Ngoài ăn uống hợp lý và luyện tập thường xuyên thì yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng, vì vậy nên sống thoải mái, luôn vui vẻ, tránh và tự giải tỏa những "stress" có hại đến sức khỏe.

2. Duy trì cân nặng ở mức hợp lý

 

 Cân nặng là chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của mỗi người. Mỗi một người cần duy trì cân nặng tương ứng với chiều cao. Để đạt được cân nặng ở "mức tiêu chuẩn" chúng ta cần có một chế độ ăn hợp lý với hoạt động thể lực và tập thể dục thể thao phù hợp.

 

 Với người có cân nặng thấp, suy dinh dưỡng thường yếu, dễ bị ốm, lao động và học tập kém hiệu quả. Ngược lại ở người thừa cân, béo phì lại có nhiều nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, đái tháo đường,tăng huyết áp và một số loại ung thư.

 

 Vì vậy để có sức khỏe và sống lâu mỗi người chúng ta cần có một chế độ ăn hợp lý và hoạt động thể lực thích hợp.

 

Bạn có thể tự đánh giá cân nặng của bạn theo cách sau đây:


Trẻ emSử dụng chỉ số cân nặng theo tuổi hoặc cân nặng theo chiều cao rồi so sánh với mức chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế thế giới năm 2006).


Người lớn: Sử dụng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index: BMI)

BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao2 (m)

 

Một người trưởng thành có cân nặng ở “mức tiêu chuẩn” thì:

 
  • BMI trong khoảng 18,5 – 24,9.

  • Cân nặng thấp khi BMI dưới 18,5.

  • Thừa cân khi BMI trong khoảng 25 – 29,9.

  • Béo phì khi BMI ≥ 30,0.

 

 

(Lưu ý: Khi BMI ở mức  lớn hơn hoặc bằng 23 thì đã có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…)

 

Mỗi người chúng ta cần thường xuyên theo dõi cân nặng của mình, mỗi tháng kiểm tra cân nặng một lần. Nếu cân nặng thấp cần ăn thêm nhiều chất bổ dưỡng, nếu thừa cân bạn nên ăn uống giảm đi, đặc biệt là giảm ăn tinh bột, chất béo và đường, đồng thời tăng hoạt động thể lực.

 

3. Không hút thuốc lá.

 
 
 

Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, những người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Khói thuốc lá với hàng ngàn độc tố sẽ tác động lên thành mạch máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng cho người trực tiếp hút mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh đặc biệt là trẻ nhỏ.

 

 

Những người hít phải khói thuốc lá dễ bị viêm đường hô hấp. Hút thuốc lá còn gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện không hút thuốc lá vừa đảm bảo sức khỏe vừa thể hiện nếp sống văn minh.

 

Muốn cơ thể khỏe mạnh và tránh bệnh tật cần hạn chế uống rượu bia và ăn đồ ngọt. Uống nhiều rượu, bia làm giảm khả năng lao động, khi say sẽ mất khả năng tự chủ bản thân gây nhiều tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Thói quen uống rượu bia gây ra những tác hại cho sức khỏe và tăng nguy cơ mắc các bệnh như Xơ gan, Suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, ung thư, Goute.

 

Nên hạn chế sử dụng nước có ga vì uống nhiều nước có ga có thể mắc hội chứng thiếu hụt vitamin và khoáng chất, giảm thiểu nồng độ vitamin A (có thể giảm sút thị lực và khả năng đề kháng của cơ thể) và magie. Uống nước này nhiều sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột, làm tiêu hóa không tốt, dễ đau bụng, tiêu chảy. Đáng ngại nhất là dùng nhiều nước ngọt có ga dễ đưa đến tình trạng thừa cân, béo phì nhất là trẻ nhỏ vì lượng đường gia tăng, năng lượng thừa dẫn đến tích tụ thêm mỡ. Đối với những bệnh nhân loét dạ dày và tá tràng uống nhiều nước có ga (nước ngọt hay nước khoáng) thì khí carbonic sẽ làm cho áp lực của dạ dày và ruột tăng thêm, dẫn tới vết loét sâu hơn có thể gây thủng. Trong nước có ga chứa acid phosphoric, chất này tạo phản ứng với canxi của cơ thể dễ gây tình trạng loãng xương (nguy cơ gãy xương của thiếu nữ chơi thể thao, uống nước có ga cao hơn 5 lần so với nhóm đối chứng). Mới đây các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng về mối đe dọa từ nước uống có ga đối với căn bệnh ung thư thực quản.

 

Cần hạn chế ăn, uống quá ngọt, nhất là đối với trẻ nhỏ vì nếu ăn, uống nhiều chất ngọt trước bữa ăn sẽ làm trẻ chán ăn vì lượng đường cao khi hấp thu vào máu gây nên cảm giác no giả tạo. Khi chất ngọt ứ tại miệng, đặc biệt là trước khi đi ngủ trẻ không đánh răng thì chất ngọt sẽ chuyển thành acid và làm hỏng răng. Người có thói quen ăn nhiều chất ngọt sẽ dễ bị thừa cân – béo phì và tăng nguy cơ bị đái tháo đường.