Lời khuyên số 6. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Cập nhật: 5/17/2019 - Lượt xem: 5837

Thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn là thực phẩm không gây hại cho sức khỏe và tính mạng con người; là thực phẩm không chứa các tác nhân gây bệnh sinh học, hóa học, lý học. Thực phẩm cần tươi, sạch không chứa các chất bảo quản không cho phép, phẩm màu công nghiệp, hóa chất bảo vệ thực vật, kháng sinh, hormon tăng trưởng và kim loại nặng, không mang các mầm bệnh đường tiêu hóa như thương hàn, tả, lỵ, viêm gan, giun sán và gây ngộ độc thức ăn do vi khuẩn.

                               

Nên lựa chọn thực phẩm tươi, không dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ
 
  • Lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh: Rau quả phải tươi, không dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ. Thịt, cá và các loại thủy sản cần tươi, giữ màu sắc bình thường không có mùi ươn hôi. Trứng cần chọn quả vỏ sáng màu, không bị những vết xám đen, không bị dập. Khi soi trứng qua ánh sáng thì trứng có màu hồng trong suốt. Không sử dụng các loại thực phẩm khô đã bị mốc vì có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm. Dùng thực phẩm đóng hộp, đóng gói phải có đầy đủ nhãn ghi thành phần, nơi sản xuất và thời hạn sử dụng rõ ràng. Không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học không đủ tiêu chuẩn cho phép để chế biến thực phẩm.

  • Dùng nước sạch để rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến và nấu nướng thức ăn.

  • Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu: Rửa thịt, cá và các loại thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu. Với các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi nấu. 

  •  Ăn ngay thức ăn vừa nấu chín xong. Bảo quản thức ăn sau nấu ở nơi sạch sẽ, thoáng và che đậy kín tránh bụi và ruồi.
Nên dùng dao thớt riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín
 
  • Dao thớt dùng cho chế biến thức ăn sống phải riêng biệt với dao thớt dùng cho chế biến thức ăn chín. 

 
Rửa tay trước khi ăn và chế biến thức ăn 
 
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và nấu nướng.

 

Lưu ý cách sử dụng các chất phụ gia thực phẩm an toàn

 
 

Các phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào để bảo quản hay cải thiện và bề ngoài của chúng. Các phụ gia thực phẩm có thể phân chia thành vài nhóm:

 
  • Các axit: Các axit thực phẩm được bổ sung vào để làm cho hương vị của thực phẩm “sắc hơn”, và chúng cũng có tác dụng như là các chất bảo quản và chống oxy hóa. Các axit thực phẩm phổ biến là Dấm, axit Citric, axit Tartaric, Axi Malic, Axit Fumalic, Axit Lactic.

  • Các chất điều chỉnh độ chua: Các chất điều chỉnh độ chua được sử dụng để thay đổi hay kiểm soát độ chua và độ kiềm của thực phẩm.

  • Các chất chống vón: Các chất chống vón giữ cho các chất bột, chẳng hạn như sữa bột không bị vón cục.

  • Các chất chống tạo bọt: Làm giảm hoặc ngăn chặn sự tạo bọt trong thực phẩm.

  • Các chất chống oxy hóa: Như vitamin C có tác dụng như là chất bảo quản bằng cách kiềm chế các tác động của oxy đối với thực phẩm và nói chung là có lợi cho sức khỏe.

  • Các chất tạo lượng: Các chất tạo khối lượng chẳng hạn như tinh bột được bổ sung để tăng số/ khối lượng của thực phẩm mà không làm ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của nó.

  •  Các chất tạo màu thực phẩm: Chất tạo màu thực phẩm được thêm vào thực phẩm để thay thế các màu sắc bị mất trong quá trình sản xuất hay làm cho thực phẩm trong bắt mắt hơn.

  • Chất giữ màu: Ngược lại với chất tạo màu, các chất giữ màu được sử dụng để bảo quản màu hiện hữu của thực phẩm.

  • Các chất chuyển thể sữa: Các chất chuyển thể sữa cho phép nước và dầu ăn duy trì được thể hỗn hợp cùng nhau trong thể sữa, chẳng hạn như maionet, kem và sữa.

  • Các chất tạo vị: Là các phụ gia làm cho thực phẩm có hương vị hay mùi cụ thể nào đó và có thể được tạo ra từ các chất tự nhiên hay nhân tạo.

  • Các chất điều vị: Làm tăng vị sẵn có của thực phẩm.

  • Các chất xử lý bột ngũ sắc: Được thêm vào bột ngũ cốc (Bột mì, bột mạch…) để cải thiện màu sắc của nó hay sử dụng khi nướng bánh.

  • Các chất giữ ẩm: Ngăn không cho thực phẩm bị khô đi.

  • Các chất bảo quản: Có tác dụng ngăn hoặc kiềm chế sự thối hỏng của thực phẩm bị gây ra bởi các hoạt động của nấm mốc, vi khuẩn hay các vi sinh vật khác.

  • Các chất đẩy: Là các loại khí nén được sử dụng để đẩy thực phẩm ra khỏi đồ chứa đựng nó.

  • Các chất ổn định: Có tác dụng tạo đặc và tạo gel, chẳng hạn aga hay pectin (Sử dụng trong một số loại mứt hoa quả) làm cho thực phẩm có kết cấu đặc và chắc. Trong khi chúng không phải là các chất chuyển thể sữa thực thụ, nhưng chúng giúp cho các chất thể sữa ổn định hơn.

  • Các chất làm ngọt: Được bổ sung vào thực phẩm để tạo vị ngọt. Các chất làm ngọt không phải đường được thêm vào để giữ cho thực phẩm chứa ít năng lượng (Calo) nhưng vẫn có vị ngọt của đường.

  •  Các chất làm đặc: Là các chất mà khi thêm vào thực phẩm sẽ làm tăng độ dẻo mà không làm thay đổi đáng kể các thuộc tính khác của thực phẩm.

 

Chỉ được sử dụng các phụ gia thực phẩm trong danh mục cho phép: Nếu trong chế biến thực phẩm sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép hoặc sử dụng phụ gia vượt quá hàm lượng cho phép sẽ nguy hại sức khỏe cộng đồng, gây ngộ độc cấp tính nếu ở liều cao và về lâu dài gây ngộ độc mãn tính.