Để giải quyết tình trạng này, nhiều năm qua, chúng ta đã có triển khai toàn diện các giải pháp trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng, đặc biệt là phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia để hiểu thêm về công tác này.
Phóng viên: Xin GS cho biết ý nghĩa của vi chất dinh dưỡng trong việc bảo vệ và phát triển cơ thể của trẻ?
GS. TS. Lê Danh Tuyên: Vi chất dinh dưỡng (VCDD) có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phát triển sức khỏe. Thiếu VCDD gây hậu quả cho phát triển về trí tuệ và thể chất, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Thiếu vi chất (vitamin A, sắt, folate, kẽm, iốt,..) để lại hậu quả rất lâu dài và nặng nề,... nhưng để phát hiện tình trạng thiếu các vi chất là rất khó, vì vậy người ta còn gọi là “nạn đói tiềm ẩn”. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến mù lòa, thiếu iốt có thể gây đần độn, thiếu sắt và acid folic ở phụ nữ mang thai có thể gây thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu VCDD ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tầm vóc. Thiếu sắt và iốt làm giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em từ 10-15 điểm.
Nước ta nằm trong các nước thuộc bản đồ thiếu vi chất dinh dưỡng. Xin GS. cho biết cho đến nay chúng ta đã làm gì để cải thiện tình trạng này?
Bản đồ thiếu VCDD bao phủ toàn bộ các nước đang phát triển của các châu lục (trong đó có Việt Nam). Khẩu phần ăn của người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là trẻ em đều không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể.
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã triển khai toàn diện các giải pháp trong công tác phòng chống SDD, đặc biệt là phòng chống thiếu VCDD và tiếp tục trong thời gian tới. Chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ SDD trẻ em đã giảm nhanh và bền vững, SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2017 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,4%); chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các VCDD khác ngày càng được cải thiện; kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao...
Tuy vậy, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (23,8% năm 2017) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. SDD thấp còi và thiếu VCDD là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu VCDD còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn. Trong khi đó việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động mới chỉ đạt kết quả bước đầu... Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta vẫn cần tập trung cho công tác dinh dưỡng.
Xin GS. cho biết ý nghĩa của Ngày Vi chất dinh dưỡng?
Ngày VCDD là một hoạt động được tổ chức thường niên nhằm vận động và đẩy mạnh công tác phòng chống thiếu VCDD, phòng chống SDD cho trẻ em và bà mẹ.
Trong ngày này, trên 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại các tỉnh khó khăn được tẩy giun; các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng đã được thực hiện trên nhiều kênh khác nhau với nội dung đa dạng và phong phú. Đồng thời, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình phòng chống SDD trẻ em, chương trình phòng chống thiếu máu do thiết sắt, phát triển hệ thống tư vấn dinh dưỡng đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho phòng chống thiếu VCDD thời gian qua. Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi ở 41 tỉnh thành, uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ SDD cao); đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc.
Thông điệp chính của Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay là “Vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”. Để thực hiện được điều này cần nâng cao nhận thức về vai trò của dinh dưỡng và VCDD, cần sự chung tay của các cấp các ngành và sự đầu tư nhiều hơn nữa của mọi tầng lớp trong xã hội cho công tác dinh dưỡng.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Nguyễn Châu (thực hiện) - Suckhoedoisong.vn