Còi xương vì... vitamin D

Cập nhật: 2/5/2020 - Lượt xem: 11885
Trẻ “còi xương, chậm lớn” là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Để phòng tránh nguy cơ này, nhiều người đã “tự” bổ sung vitamin D cho con yêu của mình.
 

Nhưng dù được bổ sung vitamin D, trẻ vẫn biếng ăn, chậm lớn và “còi vẫn hoàn còi”...

 

Vì sao uống vitamin D mà vẫn còi xương, chậm lớn?

 

Đây là quan niệm sai lầm của rất nhiều ông bố bà mẹ khi bổ sung vitamin D cho con. Theo họ, vitamin D là thuốc bổ nên “thừa còn hơn thiếu”, tuy nhiên họ không biết rằng việc bổ sung quá nhiều vitamin D cũng sẽ khiến trẻ trở nên biếng ăn, chậm lớn. Mới đây, tại Phòng khám tư vấn dinh dưỡng số 2 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia có tiếp nhận một bé gái 5 tháng tuổi. Chị Đ.H.L., mẹ bé cho biết, khoảng 4 tháng nay, chị có cho bé uống 5 giọt vitamin D3 mỗi ngày với lý do sợ bé thiếu vitamin D sẽ chậm lớn. Tuy nhiên, sau khi bổ sung, bé vẫn có biểu hiện rụng tóc hình vành khăn. Ngoài ra, bé còn có dấu hiệu ngủ không sâu giấc, ra nhiều mồ hôi trộm. Khoảng 1 tháng nay, bé ăn bú ít hẳn, lên cân chậm. Khi sinh, bé nặng 3kg, hiện tại chỉ nặng 5,8kg. Chị L. cho biết, hiện bé bú mẹ hoàn toàn, từ lúc sinh đến nay bé không ốm, đi ngoài bình thường.

 

Theo BS. Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ đến khám tại Viện Dinh dưỡng với các triệu chứng chậm lên cân, chậm phát triển chiều cao, biếng ăn... Một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng trên, đó là do các bậc cha mẹ tự làm bác sĩ, tự kê đơn vitamin D cho trẻ mà không cần biết nhu cầu vitamin D của con mình là bao nhiêu. Hậu quả khiến nhiều trẻ bị thừa vitamin D và bé P.N. trên là một ví dụ điển hình.

 

Nên bổ sung vitamin D cho trẻ qua thực phẩm.

Nên bổ sung vitamin D cho trẻ qua thực phẩm.

 

Thừa hay thiếu đều nguy hiểm

 

BS. Nguyễn Trọng Hưng cho hay, mặc dù các khuyến nghị bổ sung vitamin D không khác nhau nhiều về tuổi, giới; tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D nói riêng và các vitamin nói chung nên phải được chỉ dẫn của bác sĩ, còn phải tùy thuộc theo từng trường hợp cụ thể với chiều cao, cân nặng, số tuổi... Thừa hay thiếu vitamin D cũng có thể dẫn đến những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

 

Vitamin D thúc đẩy việc hấp thụ, chuyển hóa chất canxi và phốt pho. Khi thiếu vitamin D sẽ gây ra nhiều khiếm khuyết thể chất, tinh thần. Vitamin D khi đưa vào cơ thể sẽ được vận chuyển tới gan, chuyển hóa thành dạng khác hoạt động mạnh hơn rồi tiếp tục đi qua thận và lại được chuyển hóa tiếp. Một phần vitamin D sẽ được lưu ở gan và thận giúp cúng ta kiểm soát lượng canxi trong máu, phần khác được lưu trong xương để giữ canxi.

 

Thừa vitamin D dễ gây biến chứng nặng nề ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dùng vitamin D liều cao dài ngày sẽ gây tích luỹ thuốc, làm tăng canxi trong máu, khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, khát nước và tiểu nhiều, thậm chí có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp... Có nhiều trường hợp ngộ độc cấp do tùy tiện cho con uống các loại bổ sung vitamin và khoáng chất dài ngày, trong đó có chứa vitamin D liều cao hoặc cho trẻ uống cùng lúc các loại thuốc có chứa vitamin D. Trẻ có thể suy thận, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu liều vitamin D lên tới 50.000 IU và duy trì trong nhiều ngày.

 

Bổ sung vitamin D cho trẻ khi nào?

 

BS. Nguyễn Trọng Hưng khuyên các bậc phụ huynh không nên tùy tiện cho trẻ uống vitamin D mà cần đưa trẻ đến khám để được các thầy thuốc chuyên khoa tư vấn cụ thể. Vitamin D được hình thành từ việc tiếp xúc của da với tia cực tím buổi sáng có thể đáp ứng 70-80% nhu cầu cơ thể. Có thể bổ sung vitamin D cho trẻ bằng tắm nắng. Nên cho trẻ tắm nắng 15-30 phút hàng ngày vào lúc buổi sáng sớm, tùy từng mùa (có thể áp dụng từ tuần thứ 2 sau đẻ). Các vùng trên cơ thể có thể phơi nắng gồm lưng, cánh tay, bụng,... Tuy nhiên, khi tắm nắng cho bé trong mùa đông, kể cả những ngày nắng ấm, không nên cởi bỏ hết quần áo của bé ra vì có thể khiến trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

 

Việc bổ sung vitamin D là thực sự cần thiết khi trẻ được sinh vào mùa đông, ở những trẻ không được phơi nắng đúng cách, những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc ở những trẻ “bụ bẫm”... Trong quá trình nuôi  dưỡng nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu như ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, rụng tóc vành khăn (chiếu liếm), đầu bẹt, chập lẫy, chậm ngồi, chậm mọc răng,... thì nên cho bé đến các bác sĩ chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn liều lượng phù hợp, thời gian dùng, loại vitamin D, cũng như tư vấn chế độ phơi nắng, chế độ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé,... Các bậc phụ huynh không nên tự động bổ sung vitamin D cho bé yêu của mình để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho con em mình.

 

Nguyễn Châu - Báo Sức khỏe đời sống