Dinh dưỡng điều trị bệnh ung thư

Cập nhật: 3/29/2019 - Lượt xem: 19536

Ung thư ngày càng phát triển ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó nguyên nhân dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng. một số nhân tố gây ung thư đã được xác định có trong thực phẩm: alphatoxin, amin dị vòng, nitrozamin, các thành phần nhiều chất béo phân hủy ở nhiệt độ cao, các hydrocacbon thơm đa vòng....Do đó, cần phải có một chế dinh dưỡng hợp lý  để phòng và điều trị  bệnh ung thư

Bệnh nhân ung thư cần phải trải qua nhiều cuộc điều trị rất nặng nề (phẫu thuật, hóa chất, xạ trị) cho nên thường bệnh nhân rất mệt mỏi, ăn uống kém hoặc không ăn được, nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.

1. Nhu cầu các chất dinh dưỡng

  • Chế độ ăn giàu tinh bột, chất xơ, vitamin, muối khoáng.

  • Năng lượng: Tiêu thụ nặng lượng ở bệnh nhân ung thư rất lớn, trung bình khoảng  30 - 35 Kcalo /kg/ ngày. Một số trường hợp đặc biệt có thể cần tới 40 - 50 Kcal/kg /ngày.

  • Protein: 12 - 20% tổng năng lượng. Protein động vật chiếm 30% - 50% tổng sổ Protein

  • Lipid: 18 - 25% tổng năng lượng trong  đó: 1/3 acid béo no, 1/3 acid béo không no một nối đôi, 1/3 acid béo không no nhiều nối đôi.  EPA: 2g/24h

  • Glucid: 60 - 70% tổng năng lượng.

  • Cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ theo nhu cầu của người bình thường khỏe mạnh.

  • Lượng nước: 40ml/kg cân nặng/ngày.

  • Lượng muối: 6g/ngày, không nên quá 10g/ngày.

2. Lựa chọn thực phẩm 

Glucid và Lipid là nguồn cung cấp phần lớn năng lượng cho cơ thể. Nguồn Glucid cho bệnh nhân ung thư được cung cấp từ các loại ngũ cốc (gạo, mì...)  ngô, khoai, sắn .. và các sản phẩm chế biến từ chúng.

Quan niệm trong dân gian, và hiện nay vẫn còn phổ biến ở nước ta là người mắc bệnh ung thư không được ăn bồi dưỡng (sử dụng hạn chế các chất đạm có nguồn gốc động vật), đó là một quan niệm sai lầm, vì pro là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương , chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị, là nguyên liệu bồi phụ lại  khối nạc của cơ thể đã mất do tăng quá trình dị hóa của cơ thể,  nó còn giúp tăng cường khả năng ngon miệng trong khi người bệnh ung thư luôn chán ăn, ăn uống kém.

Một phương thức điều trị hiệu quả đối với suy mòn ung thư là sử dụng EPA (Eicosapentaenoic Acid), là một acid béo không no Omega -3, các thí nghiệm ở động vật và các nghiên cứu thử nghiệm trên người bệnh ung thư đã chỉ ra rằng bổ sung EPA làm ức chế các Cytokine gây viêm, giảm các xáo trộn chuyển hóa trong hội chứng suy mòn. Dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, giàu protid, bổ xung 2 g EPA/ngày giúp cho người bệnh ung thư cải thiện sự ngon miệng, không suy mòn, cải thiện hoạt động thể lực, nâng cao chất lượng sống vì suy dinh dưỡng và sụt cân hay gặp ở bệnh nhân ung thư, sụt cân ngoài ý muốn 5 % cũng dẫn tới giảm tỉ lệ sống sót. Sụt cân ảnh hưởng đến giảm tỉ lệ sống ở bệnh nhân.

a. Các thực phẩm nên dùng

  • Các loại thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua….

  • Gạo, miến, bún, bánh phở, các loại khoai củ...

  • Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng...)

  • Ăn nhiều rau xanh, quả chín, rau thơm, và rau quả nhiều chất xơ. Mỗi ngày nên ăn 400 – 500g rau, 200 – 400g quả chín.

  • Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3: Cá hồi, dầu oliu…

  • Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, Selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, giá đỗ xanh, cà chua, rau ngót, rau muống…

  • Ăn nhiều rau quả: giá đỗ, cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ chín, rau có màu xanh thẫm, rau ngót, rau muống, cải bắp, cà chua, đậu tương...

  • Các loại gia vị: Hành, tỏi, chanh, Rau thơm...

  • Dầu thực vật, dầu cá.

  • Các loại hạt ngũ cốc toàn phần.

  • Thịt động vật: nên ăn các loại thịt màu trắng (cá, gia cầm, chim), hạn chế thịt màu đỏ: 100g/ ngày.

  • Nước chè: uống vào ban ngày, không nên uống vào buổi tối


b. Các thực phẩm hạn chế hoặc không nên dùng

                          


  • Hạn chế các thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao, không nên ăn các loại cháy, các thực phẩm chế biến sẵn: lạp sườn, xúc xích...

  • Không dùng thực phẩm bị hư hỏng đặc biệt các loại hạt bị mốc.

  • Hạn chế rượu, bia, thuốc lá...

  • Ăn giảm muối.

  • Các thực phẩm chứa nhiều axit béo như: các món thịt nướng, thịt hun khói, các món xào, rán, quay, các loại bánh như bánh chả...

  • Các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như: đồ hộp, thịt nguội.

  • Hạn chế uống nước chè ban đêm (nên uống nước chè ban ngày).

  • Thực phẩm gây ung thư: Một số chất gây ung thư có mặt trong thực phẩm, đáng chú ý nhất là các aflatoxin và nitrosamin. Aflatoxin là độc tố do mốc Aspergillus flavus tạo ra, gặp ở đậu phộng bị mốc và một số thực phẩm khác do điều kiện bảo quản không hợp lý sau thu hoạch. Aflatoxin là độc tố gây ung thư gan mạnh trên thực nghiệm và sử dụng thực phẩm nhiễm aflatoxin là một nguy cơ gây ung thư gan ở người. Một số các nitrosamin cũng là chất gây ung thư trên thực nghiệm. Nitrosamin được hình thành ở ruột non do sự kết hợp giữa nitrit và các acid amin. Các nitrat thường có một lượng nhỏ trong thực phẩm, mặt khác một số ít người còn dùng nitrat và các nitrit để bảo quản thịt chống ô nhiễm clostridium. Vì vậy việc giám sát liều lượng cho phép các chất phụ gia này là rất cần thiết. Nhiều loại phẩm màu thực phẩm và chất gây ngọt như cyclamat cũng có khả năng gây ung thư thực nghiệm, do đó các quy định vệ sinh về phẩm màu, các chất phụ gia cần được tuân thủ một cách chặt chẽ.

  • Dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.

  • Các loại thức ăn bị nấm mốc như: lạc mốc, đỗ đậu mốc, hạt bí, hạt dưa rang sẵn bị mốc…

  • Các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá.
Nguồn: trích từ cuốn Hướng dẫn điều trị dinh dưỡng lâm sàng - Nhà xuất bản Y học năm 2015