Tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe

Cập nhật: 11/10/2021 - Lượt xem: 5751

Tóm tắt: Đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do. Sử dụng đồ uống có đường không hợp lý được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em, làm tăng nguy cơ bị rối loạn đường huyết, mỡ máu và huyết áp, từ đó, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng như các biến chứng về tim mạch, đột quỵ và tử vong; là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về răng miệng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em. Trong khi đó, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ qua, đặc biệt ở giới trẻ. Trong bối cảnh đồ uống có đường đang ngày càng đa dạng về chủng loại, có thể dễ dàng mua với giá thành phù hợp với nhiều tầng lớp dân cư, các giải pháp nhằm giảm mức gia tăng tiêu dùng, cải thiện nhận thức, quan điểm và thực hành của cộng đồng hướng tới tiêu thụ đồ uống có đường hợp lý là cần thiết để góp phần giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở nước ta.

Từ khóa: Đồ uống có đường, đường tự do, đái tháo đường, bệnh tim mạch, sức khỏe.

Abstract: Sugar-sweetened beverages are defined as all types of beverages containing free sugars. Unreasonable consumption of sugar-sweetened beverages has been identified as one of the main causes of overweight, obesity, and metabolic disorders in both adults and children, increasing the risk of blood sugar disorders, blood fat, and high blood pressure, thereby, increasing the incidence of type 2 diabetes, hypertension, dyslipidemia as well as cardiovascular complications, stroke, and death; is also one of the main causes of dental disease and may seriously affect the health of children. Meanwhile, the consumption of sugar-sweetened beverages in Vietnam has increased rapidly over the past decades, especially among young people. In the context that sugar-sweetened beverages are increasingly diverse in types, are easily purchased at affordable prices for several classes of the residents, the appropriate solutions to reduce up-trend consumption of sugar-sweetened beverages, to strengthen the awareness, viewpoints, and consuming practices of the community towards rational consumption of sugar-sweetened beverages are necessary so that it is to reduce the risk of morbidity and mortality from non-communicable diseases in our country.

Keywords: Sugar-sweetened beverages; free sugars; diabetes; cardiovascular disease; health.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sử dụng khái niệm đồ uống có đường (ĐUCĐ) cho tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm có nước ngọt không chứa cồn (soft-drink) có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao (sport drinks), trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks)[1]. Trong định nghĩa này, đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi(sucrose hoặc đường ăn) được nhà sản xuất, người chế biến, nấu thực phẩm hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc[2].

(Ảnh: Internet)

1. Tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng ĐUCĐ và các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng, … Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính của một số bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và một số loại ung thư[3],[4],[5]. Hiện nay, tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng đáng kể ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các khu vực thành thị[6]. Căn nguyên gây nên bệnh béo phì rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ ĐUCĐ ở cả cả trẻ em và người lớn[7],[8],[9]. Bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ ĐUCĐ với tỷ lệ tử vong. Theo đó, giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình[10],[11],[12],[13].

Từ các nghiên cứu cho thấy, ĐUCĐ thường được dung nạp nhanh chóng và không mang lại cảm giác no giống như thức ăn đặc[14]. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng không giảm lượng thức ăn khác đủ để bù đắp cho lượng calo từ đồ uống có đường[15]. Đồ uống ở dạng lỏng nên không mang lại cảm giác no hoặc thỏa mãn như khi ăn thức ăn dạng đặc. Vì vậy, cơ thể không “ghi nhận” lượng calo từ đồ uống như đối với calo từ thức ăn đặc. Điều này có thể khiến một người tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống ĐUCĐ với hàm lượng calo cao. Bên cạnh đó, ĐUCĐ bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate khác. Ngoài ra, mặc dù ĐUCĐ có thể chứa ít đường hơn các loại bánh ngọt nhưng trong bữa ăn mọi người sẽ có xu hướng xem bánh ngọt là món tráng miệng và sẽ hạn chế ăn bánh ngọt hơn là uống ĐUCĐ. Lượng calo dư thừa từ ĐUCĐ này góp phần gây ra thừa cân và béo phì vì chúng dễ dàng chuyển hóa thành chất béo trong cơ thể và được lưu trữ trong các mô khác nhau.
 
Uống nhiều đồ uống có đường làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và một số bệnh mạn tính không lây
(Ảnh: Internet)

- Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn. Việc tăng tiêu thụ ĐUCĐ dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì. Trong một phân tích gộp kết quả từ 88 nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng nước ngọt với việc tăng năng lượng và trọng lượng cơ thể[16]. Các nghiên cứu ở trẻ em và người lớn đã chỉ ra rằng, ở những người thừa cân việc giảm tiêu thụ ĐUCĐ có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn[17],[18]. Một nghiên cứu trên 33.097 người cho thấy, trong số những người có nguy cơ béo phì do di truyền, những người uống ĐUCĐ dễ bị béo phì hơn những người không uống[19]. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, nguy cơ bị béo phì do di truyền sẽ không thành hiện thực nếu tuân thủ các thói quen lành mạnh như hạn chế ĐUCĐ. Ngược lại, nguy cơ này sẽ tăng lên nếu không kiểm soát được việc tiêu thụ ĐUCĐ.

- Đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Sử dụng nước ngọt có thể khiến người tiêu dùng giảm tiêu thụ sữa, canxi và các sản phẩm dinh dưỡng khác, làm tăng nguy cơ gặp phải một số vấn đề sức khỏe như bệnh đái tháo đường[20]. Những người tiêu thụ ĐUCĐ thường xuyên (1 - 2 lon mỗi ngày hoặc nhiều hơn) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi sử dụng[21]. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, tiêu thụ 340ml (khoảng 1 lon) ĐUCĐ/ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 lên 22% so với những người uống ít hơn 1 lon/tháng; nguy cơ thậm chí còn cao hơn ở nhóm thanh niên và người gốc Á[22]. Trong một nghiên cứu dịch tễ học (Framingham Heart Study), nam giới và phụ nữ trung niên uống từ một ly (one drink) nước ngọt trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường cao hơn từ 25% đến 32% và có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn gần 45% so với những người không uống[23]. Một nghiên cứu (năm 2019) sử dụng dữ liệu của 3 nghiên cứu (the Nurses’ Health Study, the Nurses’ Health Study II, and the Health Professionals’ Follow-up Study), chỉ ra rằng, nếu uống nhiều hơn 118ml ĐUCĐ (bao gồm cả nước trái cây nguyên chất 100%) mỗi ngày trong 4 năm có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 16% trong 4 năm tiếp theo[24]. Nghiên cứu này cũng cho thấy, sử dụng nhiều đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) thay vì ĐUCĐ dường như không làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, thay thế một khẩu phần ĐUCĐ hàng ngày bằng nước, cà phê hoặc trà không đường có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường từ 2–10%[25].

- Đồ uống có đường cũng là nguy cơ làm gia tăng bệnh tim mạch. Một nghiên cứu theo dõi 40.000 nam giới trong 20 năm cho thấy, những người uống trung bình 1 lon ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ bị mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành cao hơn 20% so với những người hiếm khi uống ĐUCĐ [26]. Một nghiên cứu khác theo dõi sức khỏe của gần 90.000 phụ nữ trong 24 năm cho thấy việc tiêu thụ ĐUCĐ thường xuyên có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao. Những phụ nữ uống hơn 2 phần (two servings) ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành cao hơn 40% so với những phụ nữ hiếm khi uống loại đồ uống này[27]. Nghiên cứu này cũng cho thấy, những người uống nhiều ĐUCĐ thường có xu hướng có cân nặng lớn hơn và ăn uống kém lành mạnh hơn so với những người không uống ĐUCĐ.

-Đồ uống có đường có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở cả nam và nữ. Một nghiên cứu kéo dài 22 năm trên 80.000 phụ nữ cho thấy những người uống một lon ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 75% so với những phụ nữ hiếm khi uống đồ uống như vậy [28]. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ tương tự cũng tăng ở nam giới[29].

- Đồ uống có đường có thể có tác động xấu đến sức khỏe của xương. Nhận đủ canxi là cực kỳ quan trọng trong thời thơ ấu và giai đoạn dậy thì, khi xương đang trong quá trình phát triển. Nhìn chung, hàm lượng canxi và các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác trong nhiều loại nước ngọt và ĐUCĐ khá thấp, nhưng do được tiếp thị tích cực nên trẻ em và vị thành niên thích uống ĐUCĐ. Điều này khiến cho việc tiêu thụ ĐUCĐ gia tăng ở giới trẻ. Khi tiêu thụ ĐUCĐ, nước ngọt tăng lên thì lượng tiêu thụ sữa giảm đi[30].

- Tần suất sử dụng đồ uống có đường tỷ lệ thuận với  nguy cơ tử vong. Ở Hoa Kỳ, một nghiên cứu thuần tập với 37.716 nam giới và 80.647 phụ nữ cho thấy những người càng uống nhiều ĐUCĐ càng tử vong sớm; so với việc uống ĐUCĐ ít hơn 1 lần/tháng thì người uống 1- 4 lần/tháng có nguy cơ tăng 1%; uống 2 - 6 lần/tuần tăng 6%; uống 1-2 lần/ngày tăng 14%; và uống >2 lần/ngày tăng 21%; sự khác biệt có ý nghĩa thống kê rõ hơn ở ở phụ nữ so với ở nam giới[31].

- Đồ uống có đường có mối liên hệ trực tiếp tới sâu răng và các bệnh về răng miệng. Sâu răng, hạn chế chức năng răng, mất răng vĩnh viễn…xảy ra từ thời thơ ấu và ảnh hưởng đến tuổi trưởng thành. Một nghiên cứu cho thấy, nguy cơ sâu răng ở trẻ em sẽ tăng 22% nếu trẻ tiêu thụ ĐUCĐ hàng ngày[32]. Một phân tích tổng hợp cũng cho thấy, tiêu thụ nước tăng lực có liên quan đến gia tăng khoảng 2,4 lần xói mòn răng bởi độ pH thấp và lượng đường cao của nước tăng lực[33].

- Sử dụng đồ uống có đường thường xuyên ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em, là một trong nguyên nhân chính khiến trẻ bị thừa cân và béo phì có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm bệnh đái tháo đường tuýp 2, huyết áp cao, hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác, rối loạn giấc ngủ và bệnh gan. Thừa cân béo phì ở trẻ cũng có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Thừa cân ở trẻ em cũng làm tăng nguy cơ béo phì, các bệnh không lây nhiễm, tử vong sớm và tàn tật ở tuổi trưởng thành[34]. Có mối liên hệ đáng kể giữa việc tiêu thụ ĐUCĐ và tăng cân ở trẻ em[35]. Với mỗi trẻ em uống 355ml (hơn 1 lon) soda mỗi ngày, tỷ lệ mắc bệnh béo phì tăng lên 60% trong suốt 1 năm rưỡi theo dõi[36].

2. Xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường trên thế giới và ở Việt Nam

Bất chấp các khuyến cáo của các chuyên gia y tế và các tổ chức y tế về việc hạn chế tiêu thụ, doanh số bán đồ uống có đường đang tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình[37],[38],[39]. Theo số liệu của Statista năm 2019, 10 nước có mức tiêu thụ đồ uống có ga cao nhất là Mexico, tiếp đến là Mỹ, Brazil, Nhật bản, Nga, Trung Quốc, Negeria, Pakistan, Indonesia và Ấn Độ[40]. Ở Trung Quốc, tiêu thụ đồ uống giải khát (soft drinks) trên đầu người đã tăng gấp đôi trong vòng 7 năm từ 7,45 lít/người năm 2012 lên 14,57 lít/người năm 2019[41]. Ở Thái Lan, mức tiêu thụ đồ uống này hàng ngày ở Thái Lan liên tục tăng ở trẻ em, từ 8,7% năm 2003 lên 17,2% năm 2008-2009 và ở người lớn, từ 5,1% lên 7,9% trong giai đoạn tương ứng[42].

Ở Việt Nam, mặc dù mức tiêu thụ ĐUCĐ bình quân đầu người thấp hơn so với các nước trên thế giới, việc tiêu thụ ĐUCĐ đã tăng mạnh trong những năm qua. Theo Statista, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 50,09 lít. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới[43],[44].

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi 15-45 chiếm tỷ lệ hơn 46%[45], đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của các nhà sản xuất  nước giải khát. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) là 31,1%  (ở nam học sinh là 35,1%, nữ học sinh là 27,6%[46]). Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như  điều kiện khí hậu nóng ẩm, văn hóa ẩm thực đa dạng, mức sống tăng nhanh, đồ uống có đường đang ngày càng đa dạng về chủng loại, có thể dễ dàng mua với giá thành phù hợp với nhiều tầng lớp dân cư và sự phát triển nhanh của dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, quảng cáo, tiếp thị đã đẩy nhu cầu và mức tiêu thụ ĐUCĐ tăng nhanh qua các năm.

3. Kết luận

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sử dụng đồ uống có đường không hợp lý làm tăng năng lượng dung nạp vào cơ thể, là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính như đái tháo đường tuýp 2,  tăng huyết áp, biến chứng về tim mạch, đột quỵ và tử vong ở cả nam và nữ. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến xương cũng như có mối liên hệ trực tiếp gây ra các bệnh về răng miệng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc giảm lượng đường tiêu thụ, đặc biệt là dưới dạng ĐUCĐ, có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và có thể giảm nguy cơ thừa cân và béo phì ở người lớn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo giảm lượng đường tự do tiêu thụ trong suốt quá trình sống; nên giảm lượng đường tự do tiêu thụ hàng ngày ở cả người lớn và trẻ em xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và có thể giảm xuống dưới 5% (tương đương 25 gram hoặc 6 muỗng cà phê) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe[47].

Trong một tuyên bố khoa học được công bố trên Tạp chí Circulation, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo rằng trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25 gam) mỗi ngày tức dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và ĐUCĐ nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần[48]Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, giáo dục dinh dưỡng và các can thiệp thay đổi hành vi khác được thiết kế nhằm giảm tiêu thụ ĐUCĐ có thể có hiệu quả trong việc giảm lượng tiêu thụ ở cấp độ cá nhân. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi của cả một cộng đồng về lâu dài có thể khó đạt được đặc biệt ở nhóm người lớn, vì các hành vi và sở thích ăn uống thường được hình thành trong thời thơ ấu và khó sửa đổi khi trưởng thành. Vì vậy, cần xem xét các biện pháp can thiệp khác nhằm giảm tiêu thụ ĐUCĐ như: hạn chế khả năng tiếp cận với ĐUCĐ (không bán ở máy bán hàng tự động, bày bán ở các khu vực ít thu hút khách hàng,…) ở những nơi công cộng và thuế hoặc các biện pháp về giá để giảm tiêu dùng./.

 TS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (443), tháng 10/2021.)

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Sugary drinks (WHO 2017)/ (Sugar- sweetened beverages (WHO 2020) are defined as all types of beverages containing free sugars and these include carbonated or non-carbonated soft drinks, fruit/vegetable juices and drinks, liquid and powder concentrates, flavoured water, energy and sports drinks, ready-to-drink tea, ready-to-drink coffee, and flavoured milk drinks. World Health Organization 2017. Taxes on Sugary Drinks: Why Do It? World Health Organization. [(accessed on 6 June 2021)];2017 Available online: https://apps.who.int/iris/handle/10665/260253; WHO 2020. Assessing national capacity for the prevention and control of noncommunicable disease: report of the 2019 global survey. Geneva: World Health Organization; 2020. Licence: CC BY-NC-SA 3.0 IGO.

[2] Free sugars refer to monosaccharides (such as glucose, fructose) and disaccharides (such as sucrose or table sugar) added to foods and drinks by the manufacturer, cook or consumer, and sugars naturally present in honey, syrups, fruit juices and fruit juice concentrates (WHO 2017, WHO 2020).

[3] Key TJ, Schatzkin A, Willett WC, Allen NE, Spencer EA, Travis RC. Diet, nutrition and the prevention of cancer. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):187-200.

[4] Srinath Reddy K, Katan MB. Diet, nutrition and the prevention of hypertension and cardiovascular diseases. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):167-86.

[5] Steyn NP, Mann J, Bennett PH, Temple N, Zimmet P, Tuomilehto J et al. Diet, nutrition and the prevention of type 2 diabetes. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):147-65.

[6] Swinburn BA, Sacks G, Hall KD, McPherson K, Finegood DT, Moodie ML, Gortmaker SL. The global obesity pandemic: shaped by global drivers and local environments. Lancet. 2011; 378(9793):804-14.

[7] Malik VS, Pan A, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and weight gain in children and adults: a systematic review and meta-analysis. American Journal of Clinical Nutrition. 2013; 98(4):1084-102.

[8] Mattes RD, Shikany JM, Kaiser KA, Allison DB. Nutritively sweetened beverage consumption and body weight: a systematic review and meta-analysis of randomized experiments. Obesity Reviews. 2011; 12(5):346-65.

[9] Te Morenga L, Mallard S, Mann J. Dietary sugars and body weight: systematic review and meta-analyses of randomised controlled trials and cohort studies. BMJ. 2013; 346:e7492.

[10] Malik VS, Popkin BM, Bray GA, Després JP, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and risk of metabolic syndrome and type 2 diabetes: a meta-analysis. Diabetes care. 2010 Nov 1;33(11):2477-83.

[11] Malik V, Li Y, Pan A, De Koning L, Schernhammer E, Willett W, Hu F. Long-Term Consumption of Sugar-Sweetened and Artificially Sweetened Beverages and Risk of Mortality in US Adults. Circulation2019 Mar 18

[12] Fung TT, Malik V, Rexrode KM, Manson JE, Willett WC, Hu FB. Sweetened beverage consumption and risk of coronary heart disease in women. The American journal of clinical nutrition. 2009 Feb 11;89(4):1037-42.

[13] Malik VS, Schulze MB, Hu FB. Intake of sugar-sweetened beverages and weight gain: a systematic review–. The American journal of clinical nutrition. 2006 Aug 1;84(2):274-88.

[14] Pan A, Hu FB. Effects of carbohydrates on satiety: differences between liquid and solid food. Current Opinion in Clinical Nutrition and Metabolic Care. 2011; 14(4):385-90.

[15] Bachman CM, Baranowski T, Nicklas TA. Is there an association between sweetened beverages and adiposity? Nutrition Reviews. 2006; 64(4):153–174.

[16] Vartanian LR, Schwartz MB, Brownell KD. Effects of soft drink consumption on nutrition and health: a systematic review and meta-analysis. American journal of public health. 2007 Apr; 97(4):667-75.

[17] Chen L, Appel LJ, Loria C, Lin PH, Champagne CM, Elmer PJ, Ard JD, Mitchell D, Batch BC, Svetkey LP, Caballero B. Reduction in consumption of sugar-sweetened beverages is associated with weight loss: the PREMIER trial. The American journal of clinical nutrition. 2009 Apr 1; 89(5):1299-306.

[18] Ebbeling CB, Feldman HA, Osganian SK, Chomitz VR, Ellenbogen SJ, Ludwig DS. Effects of decreasing sugar-sweetened beverage consumption on body weight in adolescents: a randomized, controlled pilot study. Pediatrics. 2006 Mar 1; 117(3):673-80.

[19] Qi Q, Chu AY, Kang JH, Jensen MK, Curhan GC, Pasquale LR, Ridker PM, Hunter DJ, Willett WC, Rimm EB, Chasman DI. Sugar-sweetened beverages and genetic risk of obesity. New England Journal of Medicine. 2012 Oct 11; 367(15):1387-96.

[20] Vartanian LR, Schwartz MB, Brownell KD. Effects of soft drink consumption on nutrition and health: a systematic review and meta-analysis. American journal of public health. 2007 Apr; 97(4):667-75.

[21] Malik VS, Popkin BM, Bray GA, Després JP, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and risk of metabolic syndrome and type 2 diabetes: a meta-analysis. Diabetes care. 2010 Nov 1; 33(11):2477-83.

[22] The InterAct Consortium. Consumption of sweet beverages and type 2 diabetes incidence in European adults: results from EPIC-InterAct. Diabetologia PMID, 2013.

[23] Dhingra R, Sullivan L, Jacques PF, Wang TJ, Fox CS, Meigs JB. D, Agostino RB, Gaziano JM, Vasan RS: Soft drink consumption and risk of developing cardiometabolic risk factors and the metabolic syndrome in middle-aged adults in the community. Circulation. 2007; 116:480-8.

[24] Drouin-Chartier JP, Zheng Y, Li Y, Malik V, Pan A, Bhupathiraju SN, Manson JE, Tobias DK, Willett WC, and Hu FB. Changes in Consumption of Sugary Beverages and Artificially Sweetened Beverages and Subsequent Risk of Type 2 Diabetes: Results from Three Large Prospective U.S. Cohorts of Women and Men. Diabetes Care. online 2019 Oct 3.

[25] Drouin-Chartier JP, Zheng Y, Li Y, Malik V, Pan A, Bhupathiraju SN, Manson JE, Tobias DK, Willett WC, and Hu FB. Changes in Consumption of Sugary Beverages and Artificially Sweetened Beverages and Subsequent Risk of Type 2 Diabetes: Results from Three Large Prospective U.S. Cohorts of Women and Men. Diabetes Care. online 2019 Oct 3.

[26] De Koning L, Malik VS, Kellogg MD, Rimm EB, Willett WC, Hu FB. Sweetened beverage consumption, incident coronary heart disease, and biomarkers of risk in men. Circulation. 2012 Apr 10; 125(14):1735-41.

[27] Fung TT, Malik V, Rexrode KM, Manson JE, Willett WC, Hu FB. Sweetened beverage consumption and risk of coronary heart disease in women. The American journal of clinical nutrition. 2009 Feb 11;89(4):1037-42

[28] Choi HK, Willett W, Curhan G. Fructose-rich beverages and risk of gout in women. JAMA. 2010 Nov 24; 304(20):2270-8

[29] Choi HK, Curhan G. Soft drinks, fructose consumption, and the risk of gout in men: prospective cohort study. BMJ. 2008 Feb 7; 336(7639):309-12

[30] Vartanian LR, Schwartz MB, Brownell KD. Effects of soft drink consumption on nutrition and health: a systematic review and meta-analysis. American journal of public health. 2007 Apr; 97(4):667-75

[31] Malik V, Li Y, Pan A, De Koning L, Schernhammer E, Willett W, Hu F. Long-Term Consumption of Sugar-Sweetened and Artificially Sweetened Beverages and Risk of Mortality in US Adults. Circulation2019 Mar 18

[32] Wilder JR, Kaste LM, Handler A, McGruder T C, Rankin KM. The association between sugar-sweetened beverages and dental caries among third-grade students in Georgia. J Public Health Dent. 2015

[33] Li H, Zou Y, Ding G. Dietary factors associated with dental erosion: a meta-analysis. PLoS One. 2012; 7(8):e42626. [PMC free article] [PubMed] [Google Scholar].

[34] https://www.who.int/elena/titles/free-sugars-children-ncds/en/.

[35] Malik VS, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and BMI in children and adolescents: reanalyses of a meta-analysis. The American journal of clinical nutrition. 2009 Jan 1; 89(1):438-9

[36] Ludwig DS, Peterson KE, Gortmaker SL. Relation between consumption of sugar-sweetened drinks and childhood obesity: a prospective, observational analysis. The Lancet. 2001 Feb 17; 357(9255):505-8

[37] Taylor FC, Satija A, Khurana S, Singh G, Ebrahim S. Pepsi and Coca Cola in Delhi, India: availability, price and sales. Public Health Nutrition. 2011; 14(4):653-60.

[38] Global Soft Drinks [online document]. London: MarketLine; 2013.

(http://marketpublishers.com/report/consumers_goods/food_beverage/global_soft_drinks.html, accessed 1 September 2013).

[39] Brazil – Soft drinks. Industry Profile [online document]. London: MarketLine; 2013

(http://www.datamonitor.com/store/Product/brazil_soft_drinks?productid=MLIP0929-0005, accessed 1 September 2013).

[40] https://www.statista.com/statistics/505794/cds-per-capita-consumption-in-worlds-top-ten-population-countries/

[41] https://www.statista.com/forecasts/1202761/china-volume-per-capita-soft-drinks.

[42] Aekpalakorn W. Food consumption survey among Thai population report, The 4th National Health Examination Survey, 2008–9. Nonthaburi: National Health Examination Survey Office; 2011.

[43] World Health Organisation. Guideline: Sugars Intake for Adults and Children. 2015. Available online: https://www.who.int/publications/i/item/9789241549028 (accessed on 29 September 2020).

[44] https://www.who.int/publications/i/item/9789241549028 và https://www.who.int/news/item/04-03-2015-who-calls-on-countries-to-reduce-sugars-intake-among-adults-and-children.

[45] Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2019, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12/Ket-qua-toan-bo-Tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-2019.pdf.

[46] https://vncdc.gov.vn/cac-khuyen-nghi-cua-to-chuc-y-te-the-gioi-de-kiem-soat-tieu-thi-do-uong-co-duong-nham-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-tai-viet-nam-nd13438.html.

[47] https://www.who.int/publications/i/item/9789241549028 và https://www.who.int/news/item/04-03-2015-who-calls-on-countries-to-reduce-sugars-intake-among-adults-and-children.

[48] Vos MB, et al. Added Sugars and Cardiovascular Disease Risk in Children. Circulation. 2016; CIR.0000000000000439, published online before print August 22, 2016.