Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú đối với sữa mẹ

Cập nhật: 12/22/2023 - Lượt xem: 5046

Sữa mẹ là nguồn thức ăn hoàn hảo, phù hợp, sẵn có và thuận tiện nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn nữa, là những thông điệp về thực hành nuôi con bằng sữa mẹ được các chuyên gia khuyến cáo. Thời kỳ cho con bú là một thời kỳ rất quan trọng với người mẹ và trẻ nhỏ, đây là cột mốc đánh dấu quá trình trẻ được hấp thụ những chất dinh dưỡng bên ngoài bụng mẹ. Bởi vậy, vai trò của người mẹ là rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho con có sự phát triển tối ưu.

Vậy các bà mẹ sẽ làm như thế nào để có đủ sữa cho con, và làm thế nào để cho con có được những giọt sữa hoàn hảo và chất lượng nhất? Chế độ ăn của bà mẹ có ảnh hưởng đến chất lượng của sữa mẹ hay không là một câu hỏi thường trực không những với bà mẹ mà còn là của cán bộ y tế, nhà nghiên cứu.

Nuôi con bằng sữa mẹ là tiêu chuẩn vàng trong nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Như chúng ta đã biết, ngoài lợi ích lên sự tăng trưởng cơ thể, sữa mẹ còn có nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm điều chỉnh chức năng đường ruột, phát triển hệ thống miễn dịch và phát triển não bộ của trẻ. Sữa mẹ được thay đổi một cách tự nhiên phù hợp để đáp ứng chính xác nhu cầu của trẻ, đây là đặc tính mà các loại sữa công thức không có được.  Đáng chú ý, sữa mẹ hầu như luôn luôn đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ đủ tháng, ngay cả khi dinh dưỡng của chính bà mẹ không đầy đủ (1).

Vậy sữa mẹ có giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Sữa mẹ chứa hơn 88% là nước, trong 100 ml sữa mẹ chứa 1,5g protein, 3g chất béo và 7g chất bột đường, cung cấp 61Kcal năng lượng  (Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam. Viện Dinh dưỡng, năm 2016).

- Protein: Trong thời kỳ đầu cho con bú, hàm lượng protein trong sữa mẹ dao động từ 1,4–1,6 g/100 mL, đến 0,8–1,0 g/100 mL (sau ba đến bốn tháng), đến 0,7–0,8 g/100 mL (sau sáu tháng) (1).

- Lactose (Thành phần chất đường): Ngược lại với protein và chất béo, hàm lượng lactose trong sữa trưởng thành khá ổn định (1). Nồng độ ổn định của lactose rất quan trọng trong việc duy trì áp suất thẩm thấu không đổi trong sữa mẹ. Lượng lactose trong sữa mẹ không liên quan đến lượng đường sữa bà mẹ tiêu thụ. Sữa đầu bữa có chứa một lượng lactose tương đương với sữa khi kết thúc cữ bú, tuy nhiên lại chứa ít chất béo hơn (2).

- Chất béo: Hàm lượng chất béo trong sữa mẹ thay đổi theo sự phát triển của thời kỳ tiết sữa, từ 1,9 đến 2,3% trong sữa non đến 3,2–4,9% trong sữa trưởng thành và chiếm khoảng một nửa năng lượng cung cấp cho trẻ sơ sinh khi được bú mẹ hoàn toàn (3).

Sự biến đổi trong thành phần của sữa mẹ

Thành phần sữa mẹ thay đổi do các yếu tố như tuổi mẹ, số lần sinh của mẹ, yếu tố dinh dưỡng, yếu tố hành vi, nội tiết tố của mẹ, yếu tố môi trường, giới tính trẻ sơ sinh, thời gian cho con bú và nhiều yếu tố khác (1).

Một trong những tác động lớn nhất đến thành phần sữa mẹ là tình trạng dinh dưỡng và chế độ ăn uống của người mẹ. Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng đến thành phần sữa mẹ không giống nhau ở các thành phần dinh dưỡng khác nhau.

Hàm lượng chất béo trong sữa trưởng thành tăng lên khi lượng chất béo trong chế độ ăn của bà mẹ tăng lên , trong khi cả hàm lượng protein và lactose trong sữa trưởng thành đều không tăng theo lượng tiêu thụ của các bà mẹ đang cho con bú;  chất dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ không bị ảnh hưởng do chế độ ăn uống thiếu hụt trong thời gian ngắn vì cơ thể có quá trình bù trừ sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể người mẹ (4). Thành phần axit béo trong sữa mẹ bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi chế độ ăn uống của người mẹ (5).

Nghiên cứu được tiến hành trên 133 trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Dữ liệu theo chiều dọc cho thấy hàm lượng protein và năng lượng trong sữa giảm từ 1 đến 3 tháng tuổi.  Thành phần dinh dưỡng đa lượng, đặc biệt là hàm lượng chất béo, khác nhau đáng kể giữa các bà mẹ. Hàm lượng chất béo và năng lượng trong sữa lúc trẻ 3 tháng tuổi liên quan đến mức tăng phần trăm mỡ cơ thể của trẻ trong giai đoạn từ 1 đến 6 tháng tuổi (6).

Nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, sữa mẹ của những bà mẹ khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt chứa hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh (7) . Khẩu phần ăn của bà mẹ có ảnh hưởng đến thành phần sữa mẹ và sự tăng trưởng của trẻ. Điều đặc biệt là với những trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ, mặc dù lượng calo và protein tiêu thụ của người mẹ thấp hơn nhu cầu khuyến nghị nhưng sữa mẹ vẫn đủ cho sự phát triển trẻ trong 6 tháng đầu (8).

Thói quen ăn uống của bà mẹ trong thời gian cho con bú có thể ảnh hưởng đến thành phần sữa mẹ, cho thấy tầm quan trọng của việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời kỳ cho con bú không chỉ đối với bản thân bà mẹ mà còn để cung cấp sữa cho trẻ sơ sinh với đủ số lượng và chất lượng, đủ chất dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng cân bằng (9).

Các khuyến nghị hiện tại của Tổ chức Y tế thế giới chỉ ra rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời, điều này được hỗ trợ bởi nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra mối liên hệ giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và giảm nguy cơ viêm tai giữa cấp tính, viêm dạ dày ruột không đặc hiệu, nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng, viêm da dị ứng, hen suyễn, béo phì, đái tháo đường tuýp 1 và 2, bệnh bạch cầu ở trẻ em và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Việc tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ – cùng với việc cho ăn bổ sung – được khuyến nghị từ 6 đến 24 tháng tuổi dựa trên các mối liên quan cho thấy giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do nhiễm trùng cũng như béo phì và tiểu đường trong cuộc sống sau này. Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất giành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển tối ưu của trẻ nhỏ. Chế độ ăn uống của người mẹ có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ bằng các con đường trao đổi chất khác nhau tạo ra tác động gián tiếp và cũng có một số con đường trao đổi chất điều chỉnh sự kết hợp sữa mẹ nhất định trực tiếp thông qua chế độ ăn uống.  Chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bà mẹ trong thời kỳ cho con bú có thể quan trọng không chỉ đối với bản thân người mẹ mà còn cung cấp cho trẻ sơ sinh nguồn sữa đủ lượng và chất lượng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

ThS. BS. Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dưỡng


Tài liệu tham khảo

1. Martin CR, Ling PR, Blackburn GL. Review of Infant Feeding: Key Features of Breast Milk and Infant Formula. Nutrients [Internet]. 2016 May 11 [cited 2023 Aug 5];8(5):279. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4882692/

2. Lactose intolerance and the breastfed baby | Australian Breastfeeding Association [Internet]. [cited 2023 Jul 17]. Available from: https://www.breastfeeding.asn.au/resources/lactose-intolerance-and-breastfed-baby#:~:text=Contrary%20to%20what%20you%20may,including%20mum)%20and%20in%20babies.

3. Grote V, Verduci E, Scaglioni S, Vecchi F, Contarini G, Giovannini M, et al. Breast milk composition and infant nutrient intakes during the first 12 months of life. Eur J Clin Nutr [Internet]. 2016 Feb [cited 2023 Aug 5];70(2):250–6. Available from: https://www.nature.com/articles/ejcn2015162

4. Xi Q, Liu W, Zeng T, Chen X, Luo T, Deng Z. Effect of Different Dietary Patterns on Macronutrient Composition in Human Breast Milk: A Systematic Review and Meta-Analysis. Nutrients [Internet]. 2023 Jan [cited 2023 Nov 25];15(3):485. Available from: https://www.mdpi.com/2072-6643/15/3/485

5. Aumeistere L, Ciproviča I, Zavadska D, Andersons J, Volkovs V, Ceļmalniece K. Impact of Maternal Diet on Human Milk Composition Among Lactating Women in Latvia. Medicina [Internet]. 2019 May [cited 2023 Aug 5];55(5):173. Available from: https://www.mdpi.com/1648-9144/55/5/173

6. Fluiter KS de, Kerkhof GF, Beijsterveldt IALP van, Breij LM, Heijning BJM van de, Abrahamse-Berkeveld M, et al. Longitudinal human milk macronutrients, body composition and infant appetite during early life. Clinical Nutrition [Internet]. 2021 May 1 [cited 2023 Nov 27];40(5):3401–8. Available from: https://www.clinicalnutritionjournal.com/article/S0261-5614(20)30644-0/fulltext

7. Keikha M, Shayan-Moghadam R, Bahreynian M, Kelishadi R. Nutritional supplements and mother’s milk composition: a systematic review of interventional studies. International Breastfeeding Journal [Internet]. 2021 Jan 4 [cited 2023 Jul 17];16(1):1. Available from: https://doi.org/10.1186/s13006-020-00354-0

8. Mexitalia M, Ardian RY, Pratiwi R, Panunggal B. Correlation of maternal dietary intake with breast milk composition and infant growth. Nutr Health [Internet]. 2022 Sep 26 [cited 2023 Nov 27];02601060221129118. Available from: https://doi.org/10.1177/02601060221129118

9. Bravi F, Di Maso M, Eussen SRBM, Agostoni C, Salvatori G, Profeti C, et al. Dietary Patterns of Breastfeeding Mothers and Human Milk Composition: Data from the Italian MEDIDIET Study. Nutrients [Internet]. 2021 May 19 [cited 2023 Nov 9];13(5):1722. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8160768/