Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có nên nhịn ăn?

Cập nhật: 5/7/2023 - Lượt xem: 3606
Khi bị ngộ độc thực phẩm, cách xử trí và chăm sóc bệnh nhân góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi các triệu chứng và giúp người bệnh nhanh hồi phục.
 
Vào hè thời tiết bắt đầu nóng hơn, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển. 

Theo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, nhiệt độ tăng cao làm cho thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh đường tiêu hóa và nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.

Nếu không may bị ngộ độc thực phẩm thì bạn cũng không nên lo lắng quá. Đối với ngộ độc thực phẩm nhẹ, các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 24 giờ, tuy nhiên cần lưu ý một số loại ngộ độc thực phẩm có thể kéo dài hơn.

1. Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Với trường hợp bị ngộ độc nhẹ (chỉ có buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy nhẹ…) có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước bằng dung dịch điện giải (oresol), cho bệnh nhân uống than hoạt tính từ 5-10g (nếu có) để hấp thụ bớt chất độc.
 
Một số triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm

Những trường hợp ngộ độc nhẹ thì cần gây nôn để loại bỏ thức ăn gây độc ra ngoài. Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì không gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi gây nôn nếu thấy bệnh nhân nôn ra được hầu hết thức ăn thì để người bệnh nằm nghỉ, nhưng cần theo dõi sát sao và khi người bệnh có bất cứ triệu chứng khác lạ nào thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
 
Ngộ độc thực phẩm khiến bạn cảm thấy yếu ớt và kiệt sức. Điều cực kỳ quan trọng là nghỉ ngơi và bù nước thường xuyên để thay thế chất lỏng bị mất. Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn nhiều thì nên cho uống dung dịch oresol (pha đúng cách theo hướng dẫn) hoặc pha 1 thìa cà phê muối biển trong 1 lít nước đun sôi để nguội rồi cho người bệnh uống trong ngày để chống mất nước.

Khi bạn cảm thấy khá hơn, hãy dần dần bắt đầu ăn những thức ăn nhạt, ít chất béo, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như bánh mì nướng, mì ống, bánh quy giòn và cơm. Ngừng ăn nếu cảm giác buồn nôn quay trở lại.
 
Khi bị nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn dễ dẫn đến sốt, tê môi lưỡi, hôn mê (ví dụ như ăn cá nóc, bạch tuộc có vòng xanh, con so có chứa loại độc tố tetratodoxin rất nguy hiểm) thì cần khẩn cấp đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

Theo TS.BS. Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi có biểu hiện ngộ độc thực phẩm cần tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.

2. Bị ngộ độc thực phẩm nên ăn uống thế nào?

Nhiều người sau khi bị ngộ độc thực phẩm thường có xu hướng nhịn ăn vì những lý do như: ăn vào tiếp tục đau bụng, sợ "bụng yếu"... nếu nhịn ăn kéo dài khiến cơ thể thêm suy kiệt. Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường bị nôn hoặc tiêu chảy, có thể nôn kèm tiêu chảy để loại bỏ chất độc ra ngoài. Điều này khiến cho cơ thể bị mất nước và các chất điện giải cần thiết cho các hoạt động của tế bào.

Do đó, lúc này, người bệnh cần ăn uống đúng cách, bù lại chất dinh dưỡng cho cơ thể hồi phục nhanh hơn. Khi này, hệ tiêu hóa còn yếu nên tránh các thức ăn đặc, khó tiêu cho đến khi hết tiêu chảy và nôn, tránh những món ăn nhiều chất béo.
 
Để ngăn những phản ứng khó chịu ở dạ dày, người bị ngộ độc thực phẩm nên tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây kích thích như thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, sữa, phomai, thực phẩm chứa nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn. Tránh nạp các chất kích thích như rượu, bia, caffeine, nicotin…
 
 
Nhanh chóng bù lại nước và chất điện giải đã mất bằng cách uống oresol pha đúng hướng dẫn.
 
Khi bị ngộ độc thực phẩm, nên ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo, canh để cung cấp đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Trong chế độ ăn nên đảm bảo có đủ rau xanh và trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết để cơ thể nhanh hồi phục.

Trái cây có chứa carbohydrate phức hợp và đường tự nhiên giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên không phải loại trái cây nào cũng phù hợp cho cơ thể khi bị ngộ độc thực phẩm. Bạn nên ăn chuối chín sẽ có tác dụng làm dịu dạ dày và giảm cảm giác buồn nôn nhờ có hàm lượng kali. Kali giúp duy trì chất lỏng trong cơ thể và điều chỉnh sự di chuyển của các chất dinh dưỡng và chất thải ra ngoài tế bào.
 
Khi có cảm giác khó chịu, buồn nôn, thử ngậm gừng tươi và mật ong hoặc pha nước ấm với gừng và mật ong để uống từng ngụm nhỏ. Gừng, mật ong đều là những thực phẩm có lợi cho đường ruột sau khi ngộ độc thức ăn. Nhai và ngậm chút gừng tươi làm giảm bớt các triệu chứng ngộ độc thực phẩm và góp phần tiêu diệt vi khuẩn.

Theo ThS. BS Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, khi bị tiêu chảy hoặc nôn ói, uống nước dừa rất tốt để bù lại chất điện giải bị mất. Nước dừa có thành phần cung cấp nước điện giải rất phù hợp lại có mùi vị thơm ngon.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, ngoài các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì người bệnh còn có các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn. Do đó, nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, chế biến thành dạng lỏng như cháo, súp,... để giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Khi các triệu chứng giảm dần, người bệnh có thể ăn cơm trắng, bánh mì chứa hàm lượng carbohydrate cao, cung cấp năng lượng cho cơ thể lại không gây kích thích dạ dày giúp hồi phục nhanh hơn.
 
Thiên Châu - Báo Sức khỏe & đời sống