Các biện pháp tăng sức đề kháng và giữ sức khỏe lúc giao mùa

Cập nhật: 5/14/2023 - Lượt xem: 5747

SKĐS - Thời tiết chuyển từ xuân sang hạ, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi chóng mặt, lúc nắng rát, khi mưa lạnh khiến không chỉ người già, người có sức khỏe yếu mà cả trẻ em cũng dễ mắc bệnh.

Lúc giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, từ nắng nóng chuyển sang mưa lạnh, gió rét tạo ra môi trường vừa có nhiệt độ và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật  như vi trùng, vi rút, nấm mốc, ký sinh trùng dễ sinh sôi, nảy nở. Đồng thời, khi môi trường có sự thay đổi đột ngột như nóng quá hay lạnh quá đều làm tiêu hao năng lượng của cơ thể và làm giảm khả năng thích nghi của con người với môi trường sống.

Cơ thể con người thay đổi thế nào khi thời tiết thay đổi, nhất là lúc giao mùa

Khi môi trường quá nóng, cơ thể phải thích nghi bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi và hơi nước qua hơi thở để thải nhiệt, làm mất nhiều nước và chất khoáng. Từ đó sẽ khiến con người dễ mệt mỏi, suy nhược, biếng ăn, giảm ăn, gây thiếu cung cấp năng lượng và các dưỡng chất cần cho việc duy trì sức khỏe.

Khi sức khỏe không đảm bảo, dẫn đến việc con người dễ mắc bệnh truyền nhiễm và các rối loạn trong cơ thể hay các bệnh lý khác. Đặc biệt là ở trẻ em, đối tượng chưa có sức đề kháng, hệ iễn dịch chưa hoàn chỉnh, còn non yếu, hay người già, sức đề kháng suy giảm theo tuổi tác và người mắc các bệnh mạn tính.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh lúc thời tiết giao mùa.

 Các bệnh hay mắc trong lúc giao mùa bao gồm cảm cúm, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn và các bệnh ngoài da.

 Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, nhất là những ngày nắng nóng, cơ thể sẽ tăng nhiệt, nếu cơ thể nóng trên 40 độ C có thể gây tử vong do sốc nhiệt (say nắng) do rối loạn trung tâm điều nhiệt. Điều này dễ xảy ra ở những người già, trẻ em, phụ nữ, những người có bệnh mạn tính và đặc biệt là những người lao động ngoài trời ra nhiều mồ hôi gây mất nhiều nước và điện giải. Hầu hết các bệnh do nắng nóng đều nhanh chóng qua khỏi, ít biến chứng nếu chúng ta biết cách phòng tránh.

 Dưới đây là những nguyên tắc người dân nên áp dụng để phòng tránh các bệnh lúc giao mùa

 Tránh nóng, trú nắng trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao

 Trước tiên là tìm cách giảm bớt tác động của nắng nóng từ môi trường như:

  •  Nhà ở phải thông thoáng, vệ sinh.
  •  Làm giảm nhiệt độ môi trường bằng nhiều cách như dùng máy quạt nước, vòi phun sương, phòng có máy lạnh, xịt nước sân và máy nhà.
  •  Những ngày nghỉ có thể đến các vùng sông nước, núi rừng, vùng cao nhiệt độ thấp.
  •  Trồng thêm cây xanh trước nhà khi mùa nắng nóng đến.
  •  Nếu đêm nóng bức thì ăn mặc quần áo mỏng để tránh ra nhiều mồ hôi, lúc cơ thể đang tiết nhiều mồ hôi thì nên để ráo mồ hôi môi mới tắm để tránh cảm lạnh. Mặt khác, cũng cần giữ ấm về đêm, lưu ý luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ em và người già, người bệnh, đặc biệt là vào ban đêm, chú ý giữ ấm phần bụng, ngực, cổ, tứ chi. 
Tăng cường các chất dinh dưỡng, tăng miễn dịch bằng chế độ ăn đa dạng, hợp lý
 Song song với các cách giảm nhiệt độ môi trường, cần có chế độ dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể để chống chọi với sự tấn công của các tác nhân gây bệnh.
 Người dân nên tăng cường cung cấp các chất dinh dưỡng để củng cố hệ miễn dịch như chất đạm, chất khoáng và vitamin: Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cung cấp các chất dinh dưỡng miễn dịch như chất đạm (protein), kẽm, sắt, canxi, magnesium … Đây là những chất có khả năng tăng cường hệ miễn dịch rất quan trọng, chúng có nhiều trong trứng, cá, thịt bò, sữa, tôm, cua, các loai đậu hạt.
 Tăng cường thêm các vitamin có tính miễn dịch như vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B sẽ góp phần rất quan trọng tăng cường hệ miễn dịch. Các vitamin trên có nhiều trong rau quả, nước ép trái cây có màu vàng, cam, đỏ như: cam, cà rốt, cà chua.
 Mỗi ngày, người lớn và người làm việc trong môi trường nắng nóng nên uống 1-2 ly sinh tố hay nước ép các hoa quả trên. Trẻ nhỏ có thể uống ½ - 1 ly.
 Mùa hè nắng nóng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi để điều hòa thân nhiệt, lượng mồ hôi bài tiết qua da và khí thở rất lớn, nên người lớn có thể uống 2-3 lít nước mỗi ngày, trẻ nhỏ có thể uống 80-100ml nước/kg thể trọng và lượng nước cung cấp có thể tăng thêm 5-10% hay hơn nữa tùy vào lượng vận động của.
 Trẻ dưới 6 tháng, khi trẻ bú đủ lượng sữa mẹ hay sữa công thức theo nhu cầu khuyến nghị, tức đã cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ, nhưng trong môi trường nóng bức làm trẻ ra nhiều mồ hôi và không chịu uống thêm sữa. Trong trường hợp này cần cho trẻ uống bù thêm nước. Chế biến thức ăn cho trẻ cần mềm, dễ tiêu hóa. Chia bữa ăn ra làm nhiều bữa nhỏ.
 Chú ý vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh lúc giao mùa
 Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh việc vệ sinh cá nhân cho trẻ và người già, người bệnh cũng hết sức lưu ý như: cắt móng tay chân, thường xuyên rửa tay  bằng xà phòng diệt khuẩn, khi viêm mũi họng nên sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng và vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
 Ngủ đủ giấc cũng giúp tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật
 Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, nhất là sự phát triển của trẻ và duy trì sức khỏe cho người già, người bệnh. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con được ngủ đủ 9 - 12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi. Người lớn cần ngủ đủ 7-8 tiếng. Phòng ngủ phải sạch sẽ, thông thoáng.
Ăn uống đủ chất, đúng giờ là cách tăng cường hệ miễn dịch phòng bệnh lúc giao mùa.
 Cần tiêm phòng cho trẻ
 Để phòng bệnh cần cho trẻ tiêm phòng đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như. Nên tiêm ngừa cúm, COVID-19, phế cầu, đặc biệt ở nhóm tuổi trên 6 tháng uống ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus.
 Hạn chế tiếp xúc với nguồn gây bệnh
 Không chỉ trẻ em, mà người già, người mắc bệnh nên hạn chế tiếp xúc với các nguồn bệnh, hoặc những nơi có nguy cơ cao gây bệnh. Tránh tiếp xúc với các nguồn lây như chó, mèo hay từ chăn gối không được vệ sinh sạch sẽ. Những người đang có triệu chứng nhiễm bệnh như sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy, người đang trong vùng dịch … cần hạn chế tiếp xúc với những người có sức khỏe yếu. Thường xuyên vệ sinh môi trường, trừ loăng quăng, bọ gậy, ngủ phải mắc màn để tránh sốt xuất huyết.
 Chăm sóc khi bị bệnh
 Đối với trẻ em, nếu trẻ mắc bệnh cần chăm sóc đúng. Khi trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, ho, nôn ói và tiêu lỏng. 
 Đối với người bệnh là người lớn, nhất là người có bệnh nền, cần được chăm sóc đúng cách, ăn uống đầy đủ, dùng thức ăn ưa thích, chế biến mềm, dễ tiêu, cho ăn nhiều bữa, cho uống nhiều nước. Nếu khó ăn uống cần chia nhỏ bữa ăn, cho uống nhiều lần. Khi có nóng sốt, cần mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước. Nếu là trẻ em cần lau mát và nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế kịp thời.

TS. BS Nguyễn Thanh Danh – Báo Sức khỏe & đời sống