Cách giữ thực phẩm ngon và an toàn trong thời gian giãn cách

Cập nhật: 8/1/2021 - Lượt xem: 4808

Dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp. Để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong những ngày giãn cách, các bà nội trợ nên thực hiện tốt các biện pháp sau:

 

Ăn đa dạng, đủ chất

 
Cần xây dựng các bữa ăn hằng ngày đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên ăn đa dạng, cân bằng tất cả các loại thực phẩm. Tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa, đậu đỗ… để duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh. Bổ sung một số thực phẩm có nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin E… như cam, quýt, bưởi, các loại ớt chuông, ổi, các loại rau có màu xanh đậm… là những chất chống ôxy hóa, có vai trò kháng khuẩn và hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.
 

Khi đi mua thực phẩm

 

Nên mua thực phẩm dùng trong khoảng vài ngày đến 1 tuần. Hạn chế đi chợ, ra siêu thị nhiều lần trong tuầnPhải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người xung quanh trong quá trình lựa chọn thực phẩm, khi chờ thanh toán. Sử dụng dung dịch khử khuẩn tay trước và sau khi ra khỏi cửa hàng, siêu thị.

 

Sử dụng dụng cụ gắp, kẹp thực phẩm chuyên dụng hoặc găng tay khi lựa chọn thực phẩm tươi sống, không bao gói sẵn. Chọn thực phẩm tươi, ngon, không bị hư hỏng. Không mua thực phẩm bị mọt, mốc, hết hạn sử dụng. Vệ sinh túi, làn, dụng cụ chứa đựng thực phẩm sau mỗi khi sử dụng.

 
Chọn thực phẩm tươi, ngon, không bị hư hỏng.

Sơ chế, bảo quản thực phẩm sau khi mua về

 

Rau, củ, quả

 

Cần rửa sạch, để ráo nước và chia thành các phần nhỏ (lượng đủ dùng cho một bữa ăn) trước khi gói, bọc, bảo quản trong nhiệt độ mát.

 

Trứng

 

Trứng khi mua về cần rửa sạch, lau khô và bảo quản ở nhiệt độ mát. 

 

Thịt, cá

 

Thịt, cá và các sản phẩm động vật khác phải rửa sạch và để ráo nước; bọc kín bảo quản ở nhiệt độ mát khi chờ chế biến trong ngày; bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh nếu bảo quản lâu hơn. Để riêng các loại thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh.

 

Đảm bảo an toàn khi chế biến

 

Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm và nấu ăn. Sử dụng dao, thớt, dụng cụ chứa đựng… riêng khi chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Dụng cụ cần tráng bằng nước sôi trước khi sử dụng. Nấu chín kỹ thực phẩm. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp, tủ lạnh.

 

Bảo quản thức ăn

 

Thức ăn sau khi nấu chín chưa ăn ngay bảo quản cần: Che đậy tránh bụi, côn trùng. Bảo quản ở nhiệt độ môi trường (khoảng 22 độ C) không quá 2 giờ. Môi trường mùa hè thì không để thực phẩm, thức ăn ở bên ngoài quá 1 giờ. Khi có nhu cầu bảo quản lâu hơn, cần sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản. Thức ăn dư thừa, nếu để sử dụng cho bữa ăn sau cần đậy kín, để nơi thoáng mát hoặc bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh, đun sôi lại trước khi ăn.

Nên chia nhỏ thực phẩm và bảo quản trong tủ lạnh.

An toàn bữa ăn gia đình 

 

Luôn thực hiện ăn chín uống sôi. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn.

 

Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung. Không dùng chung cốc uống nước. Không ăn thức ăn sống hoặc tái như cá sống, thịt sống, trứng sống, gỏi, tiết canh… Rau, củ, quả khi ăn sống phải đảm bảo được rửa nước sạch, nên gọt vỏ trước khi ăn.

 

Đối với người bị cách ly

 

Người cách ly không được nấu ăn, phục vụ ăn uống cho người khác. Không ngồi ăn chung với các thành viên trong gia đình. Cần rửa, tiệt trùng, bảo quản riêng dụng cụ ăn uống của người đang cách ly.

 

Bác sĩ Thu Phương - Báo Sức khoẻ & đời sống