Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em trong Ngày Vi chất dinh dưỡng

Cập nhật: 5/18/2021 - Lượt xem: 2157

Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch cơ thể, khi cơ thể bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng sẽ làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh.

 

Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay, diễn ra hết sức đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, diễn biến của dịch cũng rất phức tạp và nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, bệnh xảy ra trong diện rộng,…Việc bổ sung vitamin A cho trẻ trong độ tuổi, bà mẹ sau sinh trong ngày VCDD là rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng phòng chống bệnh Covid-19.

 

Trong ngày vi chất dinh dưỡng chính quyền các cấp, các địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện biện pháp 5K, không tập trung đông người, thực hiện giãn cách, khi cho trẻ uống thuốc và nước không dùng chung thìa cốc, khám sàng lọc kỹ sức khỏe của nhân viên y tế và trẻ em, tuân thủ nghiêm túc quy trình triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng.

 

Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ và Ngành Y tế luôn quan tâm đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó có công tác phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững (tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2020 tỷ lệ này là 11,5%); chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các VCDD khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao…

 

Mặc dù, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm 1% một năm, tỷ lệ này hiện nay là 19,6%, nhưng còn tồn tại sự khác biệt và chênh lệch rất lớn giữa các vùng sinh thái, thành thị và nông thôn như: vùng Miền Núi 38,0%, Nông thôn 14,9% và Thành thị 12,4%,…Suy dinh dưỡng thấp còi vẫn tập trung nhiều ở những nơi khó khăn, vùng dân tộc thiểu số: Miền núi phía Bắc 37,4% và Tây nguyên 28,8%; dân tộc kinh 17,1% còn dân tộc khác là 32,0%.

 

Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 thì tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.

 
Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14,2% xuống còn 9,5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35,5% xuống còn 18,3%. Đạt được kết quả đó, là do tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống là 98,8%. Tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh con trong vòng 1 tháng được uống vitamin A là trên 90%.

 Thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu, ảnh hưởng đến khả năng lao động và học tập. Thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đều được cải thiện. Năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, phụ nữ là có thai là 25,6% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,2% so với năm 2010, thì tỷ lệ thiếu máu của các đối tượng trên là 29,2%, 36,5% và 28,8%.

Tình trạng thiếu kẽm ở phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã được cải thiện rõ rệt: Thiếu kẽm ở phụ nữ có thai đã giảm từ 80.3% năm 2010 xuống còn 63,5% năm 2020, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 69,4% xuống còn 58,0%.

 

Phòng chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏegóp phần phòng chống dịch COVID-19.

 

Chiến lược phòng chống thiếu VCDD gồm các giải pháp đồng bộ như: Bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu VCDD. Tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu VCDD một cách lâu dài và bền vững.

 

Tăng cường VCDD vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Tuyên truyền và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn những thực phẩm có tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công phòng chống thiếu VCDD.

 

Công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho người dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng, các nội dung tuyên truyền như khuyến khích người dân ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường VCDD; cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn; Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu và sử dụng vitamin A, vitamin D; trẻ em trong độ tuổi và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng cần được uống một liều vitamin A; phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được hướng dẫn sử dụng viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất.

 

Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao và 41 tỉnh còn lại bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 36 tháng tuổi mỗi năm 2 lần (Lần 1: Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6); lần 2 vào ngày 1-2/12), bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A, đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phưng trong toàn quốc.

 

Ngày 1-2 tháng 12, hãy cho trẻ trong độ tuổi

uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/ phường.

 

Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng