Thay đổi về hành vi ăn uống trong đại dịch COVID-19 và hệ lụy sức khỏe

Cập nhật: 7/7/2021 - Lượt xem: 4865
Theo các báo cáo mới đây Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của chúng ta. Tuy nhiên, những thay đổi này không mang lại những điều tốt đẹp hơn.
 
Tăng tiêu thụ đồ ăn vặt

Một phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ cho thấy tình trạng tăng tiêu thụ đồ ăn nhanh và đồ tráng miệng không có lợi cho sức khỏe, bao gồm khoai tây chiên, bánh quy và kem, đồng thời thưởng thức nhiều đồ uống có đường hơn như cà phê và trà có đường, nước giải khát có ga và đồ uống tăng cường năng lượng.
 
 
 
Hơn một phần ba (36%) trong số gần 4.000 người Mỹ được khảo sát vào tháng 6 năm 2020 cho biết họ  ăn đồ ăn nhanh và đồ tráng miệng không có lợi cho sức khỏe nhiều hơn so với trước đại dịch, trong khi 22% cho biết họ thỉnh thoảng uống đồ uống có đường. Tuy nhiên, 16% cho biết, họ ăn đồ ăn nhanh và đồ ngọt thường xuyên hơn, trong khi 10% cho biết họ dùng thường xuyên hơn đồ uống có đường. Những người tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống không có lợi cho sức khỏe nhất đa phần là người Tây Ban Nha hoặc da đen và dưới 65 tuổi, béo phì, nữ giới, có thu nhập và trình độ học vấn thấp hơn.

Kết quả khảo sát khác tương tự cũng hỏi về sự sẵn có và an toàn của thực phẩm. Gần 6/10 người - chủ yếu là người có thu nhập thấp, thất nghiệp, người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha - cho biết họ lo lắng về việc không thể mua thực phẩm ở các cửa hàng gần đó hoặc lo ngại có thể bị nhiễm COVID-19 từ thực phẩm.

Chuyên gia dinh dưỡng Brianna Dumas, thành viên trong Chương trình Nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, cho biết: “Những kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến lược và truyền thông giúp giảm bớt nỗi sợ hãi và ngăn chặn các hành vi tiêu cực bột phát, chẳng hạn như thu mua hoảng loạn và tích trữ thực phẩm. Ngoài ra, các nhà chức trách nên tập trung vào nhận thức của người tiêu dùng về cách lựa chọn tiếp cận thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm việc thúc đẩy các chương trình mạng lưới an toàn chống đói, đặc biệt là giữa các nhóm bị ảnh hưởng khác nhau".

Giảm ăn các loại thực phẩm lành mạnh

Một nghiên cứu khác đã phân tích chế độ ăn của hơn 2.000 người Mỹ trước và trong khi đại dịch xảy ra và nhận thấy có sự sụt giảm trong việc tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh, bao gồm cả rau và ngũ cốc, trong năm qua.
 
 
Caroline Um, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cho biết: “Sự sụt giảm này rõ rệt nhất ở những người tham gia nghiên cứu là phụ nữ, người da đen và người gốc Latinh và những đối tượng nghiên cứu này đã tăng ít nhất khoảng 2,3 kg kể từ năm 2018”.

Caroline Um có kế hoạch theo dõi những người tham gia nghiên cứu để tìm hiểu chế độ ăn uống của họ sẽ tiếp tục thay đổi ra sao. Các nghiên cứu tiếp theo sẽ điều tra xem những yếu tố nào, chẳng hạn như sức khỏe tâm thần hoặc các yếu tố gây căng thẳng tài chính, có thể liên quan đến sự thay đổi trong hành vi ăn uống.

Trẻ em tăng cân

Gần 30% trong số 433 phụ huynh, trong khảo sát do các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) tiến hành, cho biết con của họ đã tăng trung bình 4,3 kg trong thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2020.

Cha mẹ của trẻ từ 5 đến 18 tuổi đã được phỏng vấn trước đại dịch và phỏng vấn lại vào tháng 5 và tháng 9 năm 2020 về những lo ngại của họ liên quan đến cân nặng của con họ. Kết quả cho thấy, các gia đình có con tăng cân trong khoảng thời gian đó đều lo ngại về tình trạng này và đều cố gắng theo dõi và hạn chế thói quen ăn uống của trẻ trong cả tháng 5/2020 và tháng 9/2020. Tuy nhiên, ở những gia đình có trẻ không bị tăng cân, ban đầu phụ huynh quan tâm và theo dõi lượng ăn của trẻ trong tháng 5/2020 nhưng ngừng theo dõi vào tháng 9/2020.

Melanie Bean, phó giáo sư nhi khoa và giám đốc Trung tâm Healthy Lifestyles tại Bệnh viện Nhi Richmond thuộc Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) cho rằng: “Cần có nghiên cứu sâu hơn để điều tra và tìm hiểu các yếu tố hành vi, xã hội, môi trường và tâm lý xã hội khác nhau. Các yếu tố này có thể góp phần làm tăng cân ở trẻ em và thanh thiếu niên”.

Chỉ trích về cân nặng

Một nghiên cứu khác được trình bày tại Hội nghị đã xem xét tác động đối với trẻ em khi các thành viên trong gia đình trêu chọc trẻ hoặc đưa ra những nhận xét chỉ trích khác về cân nặng của trẻ. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Tufts (Mỹ) nhận thấy việc tiếp xúc với những nhận xét tiêu cực của gia đình về cân nặng ít nhất 3 lần mỗi tháng có ảnh hưởng đáng kể tới nội tâm của trẻ”.
 
 
Rebecca Puhl, phó giám đốc Trung tâm Rudd về Chính sách Lương thực và Béo phì tại Đại học Connecticut (Mỹ), cho biết: “Nhận thức phổ biến cho rằng một chút xấu hổ hoặc kỳ thị có thể giúp thúc đẩy ai đó giảm cân, nhưng đó không phải là những gì mà chúng ta thấy trong nghiên cứu. Trên thực tế, khi mọi người bị kỳ thị về cân nặng, điều này thực sự góp phần vào các hành vi ăn uống không lành mạnh, giảm hoạt động thể chất và tăng cân. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng khi cha mẹ chuyển cuộc trò chuyện sang thực hiện các hành vi lành mạnh, điều này có thể mang lại hiệu quả hơn nhiều”. Puhl nhấn mạnh: ”Không nên tập trung vào chỉ số cân nặng bao nhiêu, mà cả gia đình nên thực hiện ăn trái cây và rau quả, thay thế nước giải khát có ga bằng nước thường, tăng cường hoạt động thể lực hàng ngày".
 
Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống