Cách lựa chọn thực phẩm an toàn cho sức khỏe

Cập nhật: 12/24/2021 - Lượt xem: 3422

Để có một sức khỏe tốt, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn uống theo nhu cầu, ăn đa dạng thực phẩm, cân đối và hợp lý về các chất dinh dưỡng. Nhưng thực phẩm chỉ có giá trị khi nó đảm bảo về an toàn thực phẩm, để thức ăn không là nguồn lây bệnh. Vậy cách lựa chọn thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng như thế nào?

Nơi cung cấp thực phẩm cho bữa ăn của mỗi gia đình rất đa dạng, những gia đình ở các thành phố là các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ và chợ bán lẻ; những gia đình ở nông thôn chủ yếu là các chợ, cửa hàng bán lẻ hoặc tự cung tự cấp. Thực phẩm dùng để chế biến ra các món ăn gia đình có thể chia thành hai nhóm gồm: Thực phẩm đóng gói sẵn, có nhãn mác đầy đủ: ví dụ sữa hộp, đồ hộp, bánh kẹo, nước giải khát…và Thực phẩm tươi sống (không có bao gói sẵn, không có nhãn mác đầy đủ): ví dụ rau, củ quả, thịt, cá, thủy hải sản,…Cách chọn từng nhóm thực phẩm như sau:

Địa điểm, nơi bảo quản thực phẩm:

  • Khi mua thực phẩm ở siêu thị, cửa hàng nên chọn các thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng loại sản phẩm. Ví dụ: rau, củ, quả, trứng được bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc thoáng mát; thịt, thủy hải sản được bảo quản trong ngăn đá, tủ cấp đông.
Nên mua các loại rau củ quả được bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh
  • Khi mua thực phẩm ở chợ truyền thống, nên chọn các hàng quen hoặc có uy tín. Lưu ý tránh các quầy bán hàng gần khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như cống rãnh thoát nước thải, khu vực có rác thải, gần nơi kém vệ sinh,... Nên chọn các quầy hàng được bày riêng biệt các loại rau, củ, quả với các loại thịt, sản phẩm gia cầm và thủy hải sản.

Nhóm rau xanh và hoa quả:

  • Khi chọn rau xanh, không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, không nên chọn loại rau khi tươi bẻ thấy quá giòn, lá màu xanh sẫm, nhìn từ xa mặt trên của lá rất bóng và mướt, vì rau này dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá. Rau an toàn thường lá và thân nhỏ, hơi cứng, rau có những lỗ thủng nấm chấm do sâu gây ra. Khi luộc rau, nước rau có màu xanh của diệp lục, vắt chanh vào màu xanh hơn, không có mùi lạ. Ngoài ra, rau an toàn thường không bóng bẩy, không xanh mướt như những loại rau được phun thuốc kích thích.
  • Khi chọn hoa quả, hạn chế mua những hoa quả trái vụ, nhất là các tháng cuối mùa. Vì vào thời điểm này thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển nhiều, người trồng phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng với liều lượng vượt mức an toàn và thậm chí dùng đến cận ngày thu hoạch. Không nên chọn những trái quá lớn (kích cỡ to hơn bình thường), những quả da xanh bóng, có vết nứt, bị dập nát hoặc những quả có các vết lấm tấm trên cuống và không chọn quả có mùi, vị khác thường. Nên chọn quả còn tươi, nguyên vẹn, không bị trầy xước, màu sắc tự nhiên, cảm giác quả phải nặng tay, giòn chắc. Không mua quả đã gọt vỏ và xắt sẵn, hoa quả ngâm trong nước vì ngoài nguồn nước ngâm không đảm bảo vệ sinh hay hòa lẫn các chất độc hại để cho hoa quả nhanh chín, giữ vẻ trắng, giòn hấp dẫn người mua. Cảnh giác với các quả nhìn còn xanh tươi, nhưng bên trong ruột đã hỏng do dùng thuốc bảo quản.

Chọn thịt, cá và hải sản:

  • Thịt các loại (lợn, gà, bò…): Màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh; Màu sắc bình thường, đặc trưng: thịt lợn màu hồng tươi, thịt bò màu đậm vừa phải (không quá sẫm), thịt trâu màu tím đỏ; Khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra; Mỡ lợn màu trắng, dày bì không có những chấm xuất huyết màu đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu; Cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có màu sáng, khô; Kiểm tra phần thịt nạc và lưỡi không được có ấu trùng sán màu trắng nhỏ bằng hạt gạo. Thịt chế biến sẵn như thịt quay, giò, chả phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, quầy bán đảm bảo vệ sinh. Không nên mua nếu sản phẩm không được bảo quản trong tủ che đậy kín, hoặc có màu đỏ lòe loẹt, có mùi lạ.
  • Với thủy hải sản: các loại thủy hải sản, nếu có thể nên chọn các loại thực phẩm tươi, còn sống, hoặc nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh dù là bán trong siêu thị hay ở chợ truyền thống. Ví dụ chọn một số thủy hải sản tươi như sau: cá tươi phải có miệng ngậm kín, thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Tôm tép vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu sò ốc còn sống. Mực nang thì nên chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không quá lớn, chưa vỡ túi đen. Các loại thủy hải sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.
Nên chọn thuỷ sản còn tươi sống
  • Các loại trứng (vịt, gà, chim cút,…): Khi chọn trứng nên nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào đầu trứng, đầu kia soi lên một nguồn ánh sáng (ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng điện). Quan sát phần bên trong của trứng có vết máu không? có ký sinh trùng, giun sán, có vật gì lạ không? Trứng soi có màu hồng, trong suốt với một chấm hồng; túi khí có đường kính < 1cm, đường bao quanh cố định.

Với thực phẩm đóng gói sẵn:

Sản phẩm bao gói phải nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất, nhãn mác phải có đủ thông tin chính liên quan đến sản phẩm gồm: tên sản phẩm, nơi sản xuất, số lô sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, giá trị dinh dưỡng,…Chỉ chọn các thực phẩm còn hạn sử dụng. Đối với thực phẩm chế biến sẵn, cần có thêm thông tin về các phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu. Người tiêu dùng cần lưu ý đọc kỹ thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm để lựa chọn thực phẩm phù hợp, phòng tránh khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần có trong thực phẩm. 

Thực phẩm đông lạnh cần được bảo quản trong tủ lanh ở 2 - 5 độ C

Sản phẩm phải được bảo quản ở điều kiện phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất, ví dụ sản phẩm thịt, thủy sản đông lạnh phải để trong tủ lạnh đông, sữa và sản phẩm từ sữa phải được bảo quản trong tủ lạnh ở 2 – 5oC, sản phẩm đóng gói sẵn từ ngũ cốc được bảo quản nơi khô mát ở nhiệt độ phòng…

Thực phẩm đóng hộp: Hiện nay thực phẩm đóng hộp cũng khá phổ biến và được nhiều người nội trợ tin dùng, lưu ý các thông tin ghi trên nhãn mác để chọn đồ hộp an toàn như: Hạn sử dụng của các loại đồ hộp thường khá dài, các loại đồ hộp có nồng độ acid thấp như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, sản phẩm ngũ cốc, khoai tây đóng hộp có hạn dùng 2-5 năm; các loại sản phẩm từ cà chua, nước rau quả ép, các loại dưa muối có hạn sử dụng 12-18 tháng. Nên chọn các sản phẩm còn hạn sử dụng, loại hộp có hai nắp, hộp bị lõm vào, gõ có tiếng kêu đanh. Không chọn và sử dụng các loại sản phẩm đóng hộp nếu có các hiện tượng sau:

  • Hộp bị phồng ra ở nắp hoặc các vị trí khác thì sản phẩm bên trong đã bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí.
  • Bao gói đồ hộp bị hở hoặc rò rỉ, bị móp, hoen rỉ hoặc biến dạng do va đập mạnh. 
  • Đồ hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm.

Các loại thực phẩm không nên mua

Tuyệt đối không sử dụng các loại hạt đã bị mốc vì có thể chứa độc tố gây ung thư gan
  • Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc vì nấm mốc có thể chứa độc tố vi nấm như aflatoxin gây ung thư gan.
  • Rau, củ, quả có mùi lạ của hóa chất bảo vệ thực vật; thịt, thủy hải sản có mùi lạ của thuốc kháng sinh, thuốc thú y.
  • Các loại phụ gia thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.
ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng