Tiêu thụ đường, đồ uống có đường ảnh hưởng đến Bệnh đái tháo đường như thế nào?

Cập nhật: 11/22/2021 - Lượt xem: 2825
 

Tiêu thụ đường, đồ uống có đường

ảnh hưởng đến Bệnh đái tháo đường như thế nào?

     I.         Đường là gì?

Khi nhắc tới đường, thường mọi người sẽ nghĩ đến các loại đường tinh chế như đường trắng, đường cát, hay đường nâu… mà chúng ta thường dùng để chế biến hàng ngày. Tuy nhiên trên thực tế, đường trong tất cả các thực phẩm nói chung (cả thực phẩm tự nhiên và thực phẩm chế biến, bao gói sẵn) bao gồm nhiều loại định nghĩa khác nhau như: đường tự do (Free sugars), đường thêm vào/đường bổ sung (added sugars); và tổng đường (Total sugars). Các chỉ tiêu này được thể hiện trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm bao gói sẵn.

a.     Tổng đường (Total sugars)

Tổng đường được xác định là tổng của tất cả các loại đường đơn và đường đôi (mono- và disaccharide) có trong thực phẩm, có nguồn gốc từ bất kỳ nguồn nào. Trong thực tế, điều này chủ yếu bao gồm sucrose, fructose, glucose (dextrose) và lactose (đường sữa) (1).  

b.    Đường tự do (Free sugars)

“Đường tự do bao gồm monosaccharid và disaccharid được nhà sản xuất, người nấu ăn hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm và đồ uống, và đường có tự nhiên trong mật ong, xi-rô, nước hoa quả và nước hoa quả cô đặc”. 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe (2)(WHO, 2015) ; có nghĩa tương đương dưới 25 - 50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 g đường mỗi ngày với trẻ em.

c.     Đường thêm vào hay còn gọi là đường bổ sung (Added sugars)

Đường bổ sung bao gồm đường được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm (chẳng hạn như đường sucrose hoặc dextrose), thực phẩm được đóng gói dưới dạng chất tạo ngọt (như đường ăn – table sugars), đường từ xi-rô và mật ong, và đường từ nước ép trái cây hoặc rau cô đặc. Chúng không bao gồm các loại đường có sẵn tự nhiên trong sữa, trái cây và rau (3)

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý phân biệt giữa nước ép rau quả tự nhiên không thêm đường và nước ép rau quả có thêm đường và các loại hương vị được chế biến hoặc sản xuất công nghiệp (có chứa thêm đường ngoài lượng đường tự nhiên).

Các loại đường thường được bổ sung vào thực phẩm, đồ uống bao gói sẵn và thể hiện trên nhãn thực phẩm:Đường, đường kính, đường nâu, đường tinh luyện, si rô ngô, mạch nha, mật ong, sugars, added sugars, glucose, galactose, fructose, lactose, sucrose, maltose, syrup, honey, dextrose, dextrin…

Tác hại của đường lên sức khoẻ chủ yếu là do tiêu thụ quá mức lượng đường tự do, đường thêm vào/đường bổ sung trong chế biến, sản xuất thực phẩm. Tiêu thụ nhiều đường tự do trong chế độ ăn là nguyên nhân gây tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

   II.         Đồ uống có đường là gì?

a.     Đồ uống có đường  (Sugar Sweetened Beverages - SSB):

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm; và đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc), bao gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và sữa có pha chế hương liệu (4).

Theo định nghĩa của USDA (Mỹ) Đồ uống có đường là bất kỳ chất lỏng nào được làm ngọt bằng các dạng đường bổ sung khác nhau như đường nâu, chất làm ngọt ngô, xi-rô ngô, dextrose, fructose, glucose, xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, mật ong, lactose, xi-rô mạch nha, maltose, mật đường, thô đường và sucrose (5). Các loại đồ uống có đường là soda thông thường đồ uống trái cây, đồ uống thể thao, nước tăng lực, nước ngọt, đồ uống cà phê và trà có thêm đường…

Được hiểu thông dụng là đồ uống có cho thêm đường, thường là Glucose hoặc Fructose. Đồ uống có đường là thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh, thường với số lượng lớn, nên làm tăng tổng năng lượng khẩu phần nhưng lại nghèo chất dinh dưỡng.

Phân loại 

Theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 6-2:2010/BYT: Nước ngọt (đồ uống có đường) là sản phẩm được pha chế từ nước với các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, có thể bao gồm CO2.

-      Đồ uống có đường có thể phân loại theo hai cách: 

Nếu phân loại Theo cách pha chế, nước ngọt có thể chia ra thành 3 loại: Nước ngọt pha sẵn có bổ sung hương liệu, Nước ngọt pha sẵn có bổ sung nước ép trái cây, Nước ngọt cô đặc, pha loãng khi sử dụng.

Nếu phân loại theo chức năng của đồ uống, nước ngọt có thể phân ra 4 loại: Đồ uống giàu chất xơ vitamin và khoáng chất, Đồ uống thể thao có cung cấp năng lượng, Đồ uống tốt cho sức khoẻ, Đồ uống hỗ trợ dinh dưỡng.

-      Thành phần nước ngọt bao gồm: nước, đường, acid, chất tạo ngọt nhân tạo, chất tạo màu nhân tạo, chất bảo quản. Và tuỳ theo từng loại có ga hay không có ga mà thành phần có thêm CO2 hoặc không.

b.    Đồ uống có đường là nguồn tiêu thụ đường chính trong chế độ ăn

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đồ uống có đường là nguồn đường chính trong khẩu phần và việc tiêu thụ này đang ngày càng gia tăng ở hầu hết các nước, đặc biệt ở trẻ em. Hầu hết đồ uống có đường không có giá trị dinh dưỡng (năng lượng rỗng), và đóng góp phần lớn lượng đường thêm vào, đặc biệt cho người trẻ; dùng đồ uống có đường có xu hướng khuyến khích việc tiêu thụ thực phẩm quá mức và không tạo cảm giác no.

Một nửa lượng đường tự do trong các sản phẩm siêu chế biến là từ đồ uống có đường có ga. Gần một phần năm đến từ các loại nước trái cây và đồ uống có đường khác. (6)

SSB là nguồn đóng góp đường tự do lớn nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Vương quốc Anh và đóng góp lớn thứ hai ở người lớn (7).

Mức độ tiêu thụ đường tự do cao là điều đáng quan tâm vì nó có liên quan đến chất lượng chế độ ăn uống kém, tình trạng mắc bệnh béo phì và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (8). Trong khi đường được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng thêm tổng năng lượng của sản phẩm. Đồ uống có đường (SSB) chứa các loại đường bổ sung như đường sucrose hoặc xi-rô ngô fructose cao. Một phần 330ml hoặc 12oz đồ uống có đường có ga có đường thường chứa khoảng 35g  đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác (2).

Mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, lượng tiêu thụ SSB vẫn ở mức cao ở trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới Mức tiêu thụ bình quân của 51 quốc gia là 326,0 mL/ngày/người, cao nhất là ở Trung Quốc (710,0 mL/ngày/người) thấp nhất là ở Úc là 115,1 mL/ngày/người).

III.         Tiêu thụ đường, đồ uống có đường và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 

a.     Tiêu thụ đồ uống có đường có làm tăng nguy cơ đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường được chia làm 3 thể: đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 và đái tháo đường thai kỳ. Trong đó đái tháo đường type 2 là thể bệnh bị ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng và lối sống không hợp lý.

Tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có liên quan đáng kể đến tình trạng thừa cân, béo phì và đái tháo đường trên toàn thế giới, bao gồm cả ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Kết quả từ nghiên cứu ước tính mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường và tỷ lệ thừa cân, béo phì và đái tháo đường ở 75 quốc gia, cho thấy: Tiêu thụ đồ uống có đường có liên quan đáng kể đến tình trạng thừa cân, béo phì và đái tháo đường trên toàn thế giới, bao gồm cả ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (9).

Tăng 1% mức tiêu thụ đồ uống có đường có liên quan đến việc có tăng thêm gần 5 người lớn thừa cân trên 100 người, 2 người lớn béo phì trên 100 người, và 1 người lớn mắc bệnh đái tháo đường trên 100 người. Mối liên quan này tương đối mạnh mẽ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (9)Có nhiều bằng chứng cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra nạn dịch béo phì. Những người sử dụng đồ uống này không thấy no như khi họ ăn cùng lượng calo như vậy từ thực phẩm do đó sẽ không bù trừ bằng cách ăn ít đi.

Dựa trên dữ liệu từ 11 nghiên cứu thuần tập tiền cứu về lượng SSB và nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh đái tháo đường loại 2 trên 310.819 người tham gia và 15.043 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường loại 2 cho thấy những người uống SSB thường xuyên nhất là 1-2 khẩu phần / ngày có nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2 cao hơn 26% so với những người không uống hoặc uống <1 khẩu phần / tháng). Ngoài việc tăng cân, tiêu thụ nhiều SSB hơn có liên quan đến sự phát triển của hội chứng chuyển hóa và bệnh đái tháo đường loại 2. (10).

Nghiên cứu cho thấy Phụ nữ tiêu thụ 1 hoặc nhiều đồ uống có đường có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 gần gấp đôi so với những người tiêu thụ ít hơn 1 trong số các loại đồ uống có đường mỗi tháng (11).

Tiêu thụ đồ uống có liên quan đáng kể với việc tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ (GDM), bà mẹ mang thai tiêu thụ từ 1 – 2 suất đồ uống có đường có nguy cơ mắc  đái tháo đường thai kỳ gần gấp gấp đôi so với người tiêu thụ ít hơn (12)So với những phụ nữ tiêu thụ <1 khẩu phần / tháng, những người tiêu thụ ≥5 khẩu phần / tuần cola có đường có nguy cơ GDM cao hơn 22% (13).

Tiêu thụ đồ uống có đường nhiều hơn có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 18% với những người tiêu thụ trên một khẩu phần ăn / ngày (14).

b.    Vậy giả thuyết về mối liên quan giữa Đái tháo đường và tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên là như thế nào?

Có nhiều bằng chứng khoa học đưa ra việc uống đồ uống có đường có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, nhưng không rõ liệu điều này có phải là do hàm lượng đường hay các yếu tố lối sống liên quan hay không, liệu các mối liên quan tương tự có đối với đồ uống có đường chứa đường nhân tạo hay không, và các mối liên quan này có liên quan như thế nào đến chỉ số khối cơ thể (15).

Các phát hiện chỉ ra rằng, mối liên quan thuận chiều giữa việc uống đồ uống có đường và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, suy giảm khi điều chỉnh chỉ số BMI. Xu hướng ít nhất quán hơn đối với đồ uống có đường có đường nhân tạo (15).

Tăng cung cấp năng lượng gây ra cân nặng dư thừa có thể là một phần trung gian đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cả trực tiếp và gián tiếp.

Glucose từ đường chủ yếu được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng, trong khi đường fructose được đưa đến gan để chuyển hóa thành glucose hoặc chất béo. Ăn nhiều fructose có liên quan đến việc tăng chất béo trung tính, gan nhiễm mỡ và bệnh gút. Nó có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ do tác động của đường fructose lên gan của bạn, bao gồm thúc đẩy gan nhiễm mỡ, viêm và kháng insulin cục bộ.

Chế độ ăn có tải đường huyết cao (GL cao) có thể kích thích cảm giác đói và dẫn đến tăng cân cũng như gây ra tình trạng không dung nạp glucose và kháng insulin. GL cao có thể làm tăng các dấu ấn sinh học gây viêm như protein phản ứng C (CRP), có liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2.

Sơ đồ mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường và bệnh đái tháo đường (16)

Việc giảm 40% lượng đường tự do được thêm vào đồ uống có đường trong vòng 5 năm sẽ dẫn đến việc giảm năng lượng trung bình ăn vào, kết quả là giảm trung bình trọng lượng cơ thể, giảm tỷ lệ thừa cân ở người trưởng thành ngăn ngừa mắc bệnh đái tháo đường loại 2 liên quan đến béo phì (17).

Kiềng ba chân cho điều trị bệnh đái tháo đường là chế độ ăn hợp lý, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị và hoạt động thể lực theo khuyến cáo. Kiểm soát trọng lượng cơ thể, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giảm tiêu thụ SSB và tăng cường hoạt động thể chất đã được báo cáo là có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

 

Ths.Bs Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dưỡng

 

Tài liệu tham khảo

1.         Erickson J, Slavin J. Total, added, and free sugars: are restrictive guidelines science-based or achievable? Nutrients. 2015 Apr 15;7(4):2866–78. 

2.         WHO | Reducing free sugars intake in children and adults [Internet]. WHO. [cited 2018 Jun 20]. Available from: http://www.who.int/elena/titles/guidance_summaries/sugars_intake/en/

3.         World Health Organization. Taxes on sugary drinks: Why do it? [Internet]. World Health Organization; 2017 [cited 2021 Nov 15]. Report No.: WHO/NMH/PND/16.5 Rev.1. Available from: https://apps.who.int/iris/handle/10665/260253

4.         Guideline: sugars intake for adults and children [Internet]. [cited 2021 Oct 12]. Available from: https://www.who.int/publications-detail-redirect/9789241549028

5.         2015-2020 Dietary Guidelines | health.gov [Internet]. [cited 2021 Nov 14]. Available from: https://health.gov/our-work/nutrition-physical-activity/dietary-guidelines/previous-dietary-guidelines/2015

6.         PAHO. Ultra-processed food and drink products in Latin America: Sales, sources, nutrient profiles, and policy implications [Internet]. Washington, D.C; 2019 [cited 2021 Sep 14] p. 72. Available from: https://iris.paho.org/handle/10665.2/51094

7.         Evans CEL. Sugars and health: a review of current evidence and future policy. Proc Nutr Soc. 2017 Aug;76(3):400–7. 

8.         WHO | Diet, nutrition and the prevention of chronic diseases
Report of the joint WHO/FAO expert consultation [Internet]. WHO. [cited 2018 Jun 8]. Available from: http://www.who.int/dietphysicalactivity/publications/trs916/intro/en/

9.         Basu S, McKee M, Galea G, Stuckler D. Relationship of soft drink consumption to global overweight, obesity, and diabetes: a cross-national analysis of 75 countries. Am J Public Health. 2013 Nov;103(11):2071–7. 

10.       Malik VS, Popkin BM, Bray GA, Després J-P, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and risk of metabolic syndrome and type 2 diabetes: a meta-analysis. Diabetes Care. 2010 Nov;33(11):2477–83. 

11.       al SM et. Sugar-sweetened beverages, weight gain, and incidence of type 2 diabetes in young and middle-aged women. - PubMed - NCBI [Internet]. [cited 2018 Sep 11]. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15328324

12.       Donazar-Ezcurra M, Lopez-Del Burgo C, Martinez-Gonzalez MA, Basterra-Gortari FJ, de Irala J, Bes-Rastrollo M. Soft drink consumption and gestational diabetes risk in the SUN project. Clin Nutr Edinb Scotl. 2018 Apr;37(2):638–45. 

13.       Zhang C, Ning Y. Effect of dietary and lifestyle factors on the risk of gestational diabetes: review of epidemiologic evidence. Am J Clin Nutr. 2011 Dec;94(6 Suppl):1975S-1979S. 

14.       Imamura F, O’Connor L, Ye Z, Mursu J, Hayashino Y, Bhupathiraju SN, et al. Consumption of sugar sweetened beverages, artificially sweetened beverages, and fruit juice and incidence of type 2 diabetes: systematic review, meta-analysis, and estimation of population attributable fraction. BMJ [Internet]. 2015 Jul 21 [cited 2021 Nov 13];351:h3576. Available from: https://www.bmj.com/content/351/bmj.h3576

15.       Greenwood DC, Threapleton DE, Evans CEL, Cleghorn CL, Nykjaer C, Woodhead C, et al. Association between sugar-sweetened and artificially sweetened soft drinks and type 2 diabetes: systematic review and dose-response meta-analysis of prospective studies. Br J Nutr. 2014 Sep 14;112(5):725–34. 

16.       Tseng T-S, Lin W-T, Gonzalez GV, Kao Y-H, Chen L-S, Lin H-Y. Sugar intake from sweetened beverages and diabetes: A narrative review. World J Diabetes [Internet]. 2021 Sep 15 [cited 2021 Nov 6];12(9):1530–8. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8472506/

17.       Luger M, Winzer E, Schätzer M, Dämon S, Moser N, Blagusz K, et al. Gradual reduction of free sugars in beverages on sale by implementing the beverage checklist as a public health strategy. Eur J Public Health [Internet]. 2018 Oct 1 [cited 2021 Nov 10];28(5):961–7. Available from: https://doi.org/10.1093/eurpub/cky039