COVID -19: Hoảng sợ là thứ dễ lây lan

Cập nhật: 2/18/2020 - Lượt xem: 6229
Hiện tại, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID -19 bởi tốc độ lây truyền và khả năng dẫn đến tử vong cho người bệnh.
 

Trong đại dịch này, tôi lại nhớ đến đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21 - SARS. Và rằng, liệu chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì từ SARS cho COVID -19 lần này? SARS là một loại virus Corona khác. Nếu virus Corona xuất hiện vào cuối tháng 12 được cho là từ một chợ động vật tại Vũ Hán thì SARS cũng có nguồn gốc từ các chợ động vật ở tỉnh Quảng Đông miền  Nam Trung Quốc vào tháng 11/2002.

 

Dịch SARS lây lan ra 26 quốc gia chỉ trong vài tuần. May mắn là sau đó dịch bệnh đã được đẩy lùi kịp thời và tương đối nhanh chóng. Cuối cùng, khoảng 8.500 người bị mắc bệnh với tỷ lệ tử vong là 9,6%, dưới 1.000 người chết.

 

CoVID-19 đang làm khuynh đảo toàn thế giới.

CoVID-19 đang làm khuynh đảo toàn thế giới.

 

Tất nhiên, dịch SARS đã hủy hoại các nạn nhân và gia đình của họ. Dù vậy thì tác động đến sức khỏe cộng đồng của SARS tương đối hạn chế và ngắn hạn. Nhưng tác động của nó lên nền kinh tế thế giới thì ngược lại, rất khủng khiếp và lâu dài. Ở dịch này kéo dài 8 tháng, mặc dù có dưới 10.000 người bị nhiễm virus trực tiếp, nhưng có tới hàng chục triệu người đã thay đổi hành vi của mình để tránh nỗi lo bị lây nhiễm virus...

 

Dịch bệnh do COVID -19 bùng phát từ tháng 12/2019, đến nay mới được hơn 2 tháng, tính đến 18 giờ ngày 9/2/2020, đã có 37.589 trường hợp mắc bệnh, 813 trường hợp tử vong... Có lẽ con số này sẽ còn tăng lên theo từng ngày đã thổi bùng lên sự hoảng loạn cho người dân.

 

Hoảng sợ là thứ dễ lây lan. Các nghiên cứu hành vi cho thấy các cá nhân thường đánh giá mức rủi ro cao hơn nhiều so với thực tế, rằng chúng rất khủng khiếp và gây ra sự sợ hãi. Do đó, người ta thường cảm thấy bị cá mập tấn công đáng sợ hơn tai nạn giao thông..., thực sự thì có bao nhiêu người bị cá mập cắn và chết...? Chắc chắn ít hơn số người chết vì tai nạn giao thông trong 7 ngày Tết âm lịch của nước ta.

 

Chúng ta chưa hề biết đầy đủ về tác hại thực sự của virus Corona này, mặc dù bằng chứng sơ bộ cho thấy tỷ lệ tử vong của nó thấp hơn nhiều so với SARS. Nhưng với các phương tiện truyền thông xã hội, sự hoảng loạn cũng có thể lan truyền nhanh hơn và xa hơn so với thực tế... Trên mạng xã hội, không ít thông tin thất thiệt, những tin đồn không có căn cứ về dịch COVID -19 đã khiến cộng đồng thêm hoang mang, lo sợ.

 

Do đó, là một người dân sống trong bão dịch, chúng ta nên tiếp cận nguồn thông tin chính thống, những thông tin đã được kiểm chứng. Nếu không thể ngăn chặn sự phát tán thông tin phóng đại và không chính xác thì chúng ta nên chọn lọc và tiếp nhận thông tin một cách sáng suốt - đó cũng chính là trách nhiệm của mỗi công dân để cùng đồng hành với ngành y tế trong cuộc chiến đấu nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh do COVID -19.

 

Chắc chắn một điều là với y học hiện đại sẽ sớm tìm ra vắc-xin phòng virus Corona và sẽ có phương án điều trị tốt nhất cho mọi người mắc bệnh. Tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca đã được điều trị khỏi. Như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng đây cũng không phải là thứ virus tử thần có thể gây ra chết chóc cho toàn bộ người bệnh, mà hãy tin tưởng ngành y tế cũng như các thầy thuốc đang ngày đêm nghiên cứu để mang lại điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân và cho cộng đồng.

 

Nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch. Cũng như dịch SARS, COVID -19 đang làm tê liệt ngành du lịch và cũng đang đóng băng giao thương và bao nhiêu người sẽ khánh kiệt sau dịch. Đó là hậu quả nặng nề mà không chỉ một cá nhân mà toàn xã hội đang và sẽ phải gánh chịu.

 

Do vậy, những ai đã, đang và sẽ còn đăng tải những thông tin thất thiệt, xin đừng làm “anh hùng bàn phím”. Xin hãy để cho cơ quan y tế làm việc của họ và đừng làm hoang mang dư luận. Xin những nhà kinh doanh đừng làm giàu trên sự hoảng loạn và đau khổ của người khác bằng cách tăng giá, chặt chém... các phương tiện phòng  dịch.

 

Hãy làm những điều thực sự có ích cho mình, cho gia đình mình và người xung quanh bằng sự bình tĩnh, phòng dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế.

 

Nguồn: Theo BS. Trần Minh Thiệu - Báo Sức khỏe & đời sống