Hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5: Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc COVID-19

Cập nhật: 6/1/2021 - Lượt xem: 1932
Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn và khi mắc có thể bị nặng và dễ bị tử vong hơn.
Người hút thuốc lá rất “nhạy” với COVID-19

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh lý về đường hô hấp trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Thuốc lá chứa hơn 7000 chất hóa học, khi hút các chất hóa học độc hại trong thuốc phá hủy cấu trúc đường hô hấp khiến chức năng của phổi bị hạn chế do đó dễ bị vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập vào, đối với SARS-CoV-2 lại càng dễ dàng hơn.
 

Người hút thuốc lá thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính kèm theo như hô hấp, tim mạch, đái tháo đường, mạch máu não… Do vậy, khi nhiễm SARS-CoV-2 diễn biến bệnh sẽ nặng hơn, thường phải có những can thiệp nặng nề, đặc biệt là tình trạng suy hô hấp khiến bệnh nhân phải thở bằng máy.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc hút thuốc lá sẽ tăng nguy cơ nhiễm COVID-19, ngoài nguy cơ virut xâm nhập đường hô hấp thì hành động hút thuốc như đưa tay lên miệng, sử dụng thuốc lá dạng nước, dùng chung ống hút thuốc lào, bình/ vòi hút shisha là nguyên nhân lân lan SARS-CoV-2.

Tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã được khẳng định rõ ràng. Thuốc lá gây ra cái chết cho 8 triệu người mỗi năm và khi tin tức được đưa ra rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng với COVID-19 so với những người không hút thuốc, nó đã khiến hàng triệu người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá có thể là một thách thức, đặc biệt là khi có thêm căng thẳng về kinh tế và xã hội do hậu quả của đại dịch. Trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn cầu, 60% bày tỏ mong muốn bỏ thuốc lá - nhưng chỉ 30% được tiếp cận với các công cụ giúp họ làm điều đó thành công.
 
Lợi ích của cai thuốc lá

Bỏ thuốc lá mang lại lợi ích lớn đối với bệnh nhân bị bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, nếu tiếp tục hút thuốc sẽ làm tăng nhanh mức độ trầm trọng của bệnh như hen, ung thư và bệnh tim. Cai thuốc lá, làm giảm đáng kể nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quy. Giảm tỷ lệ bệnh phát nặng hơn và làm tăng sự thành công trong các ca phẫu thuật chữa bệnh ở các bệnh mạch vành. Giảm tỷ lệ suy giảm chức năng phổi và giảm ho đối với người bị bệnh viêm phế quản mạn tính. Ở những người trẻ mới hút thuốc, chức năng hoạt động của phổi sẽ tăng khi bỏ thuốc.

Bỏ thuốc lá giúp tuổi thọ của bạn được tăng lên, bỏ thuốc lá ở độ tuổi khoảng 30 sẽ giúp bạn tăng gần 10 năm tuổi thọ, vào khoảng 40 tuổi sẽ được hưởng thêm 9 năm tuổi thọ, vào khoảng 50 tăng thêm 6 năm tuổi thọ và ở độ tuổi 60 bạn sẽ có thêm 3 năm tuổi thọ.

Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan đến khói thuốc thụ động ở trẻ em, chẳng hạn như các bệnh về đường hô hấp (như hen suyễn, viêm phổi) và nhiễm trùng tai.

Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ liệt dương, khó mang thai, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân và sảy thai.

Từ bỏ thuốc lá không chỉ có lợi cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và đẩy lùi COVID-19.     
 
Ngọc Anh - Báo Sức khỏe & đời sống