Phân biệt trường hợp 'nghi nhiễm' và 'nhiễm' nCoV

Cập nhật: 2/5/2020 - Lượt xem: 2289

'Nghi nhiễm' khi sốt hoặc có triệu chứng viêm hô hấp, từng tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người từ vùng dịch; 'nhiễm' khi xét nghiệm dương tính.

 

Theo Bộ Y tế, trường hợp nghi nhiễm nCoV là người sốt hoặc có các triệu chứng viêm hô hấp, khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân hay người đi về từ vùng dịch.

 

Các ca bệnh hoặc nghi nhiễm nCoV đều phải được khám và điều trị cách ly tại bệnh viện. Cách ly là một trong các biện pháp thực hiện để kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa bệnh lây truyền đến người khác. Có nhiều hình thức cách ly, như thay đổi thủ tục tiếp xúc, đưa bệnh nhân cách ly xa người khác, dùng các vật dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (áo choàng, khẩu trang, găng tay). Các phòng cách ly chuyên dụng có thể được xây dựng sẵn trong bệnh viện hoặc các đơn vị cách ly dã chiến trong trường hợp khẩn cấp có dịch bệnh bùng phát.

 

Sau khi nghi nhiễm, thực hiện cách ly, bệnh nhân được bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Viêm phổi do nCoV được xét nghiệm chẩn đoán bằng kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.

 

Các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc nCoV sẽ được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc; Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực miền Trung; Viện Pasteur TP HCM đối với các tỉnh khu vực phía Nam. Nếu kết quả dương tính nCoV, bệnh nhân được coi là nhiễm nCoV.

 

Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân nhiễm nCoV chủ yếu được điều trị triệu chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác nếu có. Người bệnh chỉ được xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, toàn trạng tốt như mạch, huyết áp, các xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi cải thiện, chức năng thận trở về bình thường.

 
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là điều cần thiết để ngăn ngừa nCoV. Ảnh: Hữu Khoa

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là điều cần thiết để ngăn ngừa nCoV. Ảnh: Hữu Khoa

 

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng lây nhiễm nCoV, cần đeo khẩu trang và đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng viêm hô hấp. Vệ sinh cá nhân thường xuyên như rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho hoặc lau mũi. Che mũi, miệng khi có hắt hơi và ho, vứt khăn giấy lau mũi miệng vào thùng rác riêng có nắp đậy. Tránh tiếp xúc và tụ tập ở nơi đông người, nơi không thoáng khí. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp các vật nuôi, động vật hoang dã.

 

Phòng lây nhiễm trong bệnh viện. Thực hiện phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn. Phòng chống lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và người bệnh khác tại bệnh viện.

 

Corona là một họ virus lớn gây bệnh hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến nặng, đe dọa tính mạng người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012. nCoV là chủng virus corona mới chưa từng biết đến, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin phòng bệnh.

 

Tháng 12/2019, nCoV gây dịch viêm phổi tại Vũ Hán và lan rộng khắp Trung Quốc cùng 23 nước khác trong đó có Việt Nam. 

 

Sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau không do nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, là những dấu hiệu của bệnh phổi do virus nCoV. Người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, có nguy cơ cao bệnh nặng.

 

Tính đến ngày 4/2, Việt Nam có 10 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 bệnh nhân điều trị thành công và xuất viện, 90 trường hợp đang được cách ly, theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm.

 
Nguồn: Báo VnEpress.net