Thực trạng tiêu thụ rau quả của người dân Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ các cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng thì tiêu thụ rau xanh và quả chín có nhiều biến động trong vài thập kỷ gần đây. Vào những năm 1980, khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa, còn nhiều khó khăn thì rau là thực phẩm chính trong bữa ăn với mức tiêu thụ bình quân 214g/người/ngày. Đến năm 2000, số liệu cho thấy tiêu thụ rau có xu hướng giảm, còn 178g/ngày. Mức tiêu thụ rau sau đó tăng dần, đạt 190g/ngày vào năm 2010 và đến năm 2020 đạt 218g/ngày.
Diễn biến về tiêu thụ quả chín thì có xu hướng gia tăng đều qua các năm, đặc biệt là trong khoảng 10 năm gần đây. Số liệu cho thấy mức tiêu thụ trung bình năm 1980 là 2,2g/ngày, sau đó tăng lên và duy trì ở mức trên 60g/ngày những năm 2000 – 2010 và tăng cao, đạt mức tiêu thụ 114,3 g/ngày vào năm 2020.
Nhìn chung so với khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng thì mức tiêu thụ rau quả hiện nay mới đạt khoảng trên 60%. Như vậy có thể thấy vẫn còn sự thiếu hụt đáng kể trong khẩu phần rau quả của người dân.
Vai trò của rau quả:
Rau quả là một phần quan trọng trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của người dân, cung cấp các vitamin và khoáng chất giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình trao đổi hấp thu các chất dinh dưỡng. Các loại rau màu xanh thẫm như rau ngót, rau cải, rau muống… chứa nhiều vitamin C, K, folat; các loại quả có múi (cam, quýt, bưởi), các loại rau quả màu sắc như rau giền, rau cải tím, cà chua, bông cải, ớt chuông quả đu đủ… giàu vitamin C, beta-carotene và các flavonoids - được chứng minh là có vai trò mạnh mẽ trong giảm quá trình oxy hóa, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật. Rau quả còn rất giàu chất xơ có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng sức bền thành mạch và giảm cholesterol.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ăn không đủ trái cây và rau quả là nguyên nhân gây ra khoảng 14% trường hợp tử vong do ung thư đường tiêu hóa, khoảng 11% trường hợp tử vong do thiếu máu cục bộ và khoảng 9% trường hợp tử vong do đột quỵ trên toàn cầu (https://www.who.int/dietphysicalactivity/fruit/en/).
Khuyến nghị về tiêu thụ rau quả
1. Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): WHO đưa ra mức khuyến nghị tối thiểu về tiêu thụ rau quả là 400g/người/ngày (không bao gồm khoai tây và các loại củ giàu tinh bột khác) để ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và béo phì, cũng như ngăn ngừa và giảm bớt thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. WHO cũng nhấn mạnh rằng 400g rau quả/ngày là mức khuyến nghị tối thiểu, các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên, tập quán ăn uống của người dân để xây dựng các mức khuyến nghị riêng, tuy nhiên không được dưới mức 400g/người/ngày.
2. Khuyến nghị về tiêu thụ rau quả cho người Việt Nam của Viện Dinh dưỡng: trong Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt, Viện Dinh dưỡng đưa ra khuyến nghị mức tiêu thụ rau quả là 480g -560g/ngày (tương đương từ 6-7 đơn vị rau quả, mỗi đơn vị là 80g); trong đó tiêu thụ rau là từ 240-320g/ngày và tiêu thụ quả chín là 240g/ngày.
So với khuyến nghị tối thiểu 400g rau quả/ngày của WHO thì mức khuyến nghị của Viện đưa ra là cao hơn, nhưng điều này là phù hợp với thói quen ăn rau của người Việt cũng như tính sẵn có của rau quả do điều kiện tự nhiên Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Tham khảo mức khuyến nghị của một số quốc gia trong khu vực thì thấy rằng mức khuyến nghị mà Viện Dinh dưỡng đưa ra khá tương đồng, ví dụ như:
- Tháp Dinh dưỡng của Nhật Bản đưa ra mức khuyến nghị 520 - 620g rau quả/người/ngày (350 - 420g rau và 200g quả).
- Úc đưa ra mức khuyến nghị là 560-640g rau quả/người/ngày.
- Trung Quốc đưa ra mức khuyến nghị là 500 - 850gram rau quả/ngày (300 -500g rau và 200 - 350g quả).
Để từng bước cải thiện và nâng cao mức tiêu thụ rau quả thì cần có những giải pháp về truyền thông dinh dưỡng giúp nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của rau quả đối với tình trạng sức khỏe, từ đó khuyến khích người dân tăng cường ăn rau xanh và quả chín. Bên cạnh đó cần xem xét sự ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và yếu tố địa lý đến khả năng tiếp cận rau quả của người dân khu vực miền núi, vùng cao nguyên. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bao gồm lũ lụt hay hạn hán cũng là yếu tố cản trở khả năng tiếp cận thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng. Do đó cùng với truyền thông, can thiệp tiêu thụ rau quả hợp lý thì những chính sách và cách tiếp cận đa ngành là rất cần thiết để đảm bảo cho người dân có bữa ăn hợp lý, đầy đủ các nhóm thực phẩm và rau quả theo khuyến cáo.
TS. Tuấn Thị Mai Phương – Viện Dinh dưỡng