Bí quyết ăn uống giúp kiểm soát đường huyết ở phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường

Cập nhật: 4/24/2022 - Lượt xem: 2670

Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể gây nhiều rủi ro cho sức khoẻ bà mẹ và em bé. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được theo dõi sức khoẻ chặt chẽ và có chế độ ăn uống phù hợp giúp ổn định đường huyết để đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

1.  Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết

Đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cần lưu ý mà thai phụ có thể gặp bao gồm: cảm thấy đói và khát hơn bình thường, đi tiểu nhiều hơn, nhìn mờ, giảm cân…

Cho dù bệnh đái tháo đường phát triển trong khi mang thai hay bạn đã mắc bệnh đái tháo đường trước khi mang thai, nếu không được kiểm soát tốt, nó có thể gây ra nguy hiểm cho thai nhi như:

  • Chuyển dạ sinh non
  • Huyết áp cao (tiền sản giật)
  • Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
  • Tăng nguy cơ sinh mổ
  • Tổn thương khi sinh một em bé có trọng lượng lớn
  • Gây dị tật bẩm sinh
  • Sảy thai hoặc thai chết lưu

Thông thường, nếu bị đái tháo đường trong khi mang thai, lượng đường trong máu của bạn thường trở lại bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, có tới 50% số người mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường loại 2 sau này.

Vì vậy, điều trị tốt bệnh đái tháo đường là bắt buộc trước, trong và sau khi mang thai để giảm thiểu mọi rủi ro và biến chứng. Phụ nữ mang thai cần đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để phát hiện sớm bất thường và can thiệp kịp thời. Quan trọng nhất là cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và giữ ổn định trong tầm kiểm soát.

Khi mang thai làm tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể, lượng đường trong máu cũng có thể thay đổi rất nhanh chóng. Vì vậy, thai phụ cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Cần học cách điều chỉnh lượng thức ăn, tập thể dục và dùng thuốc. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm lượng đường trong máu của thai phụ mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.

Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ cần có chế độ ăn uống phù hợp để ổn định đường huyết.

2. Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ nên ăn gì?

2.1. Nên ăn carbohydrate toàn phần, giàu chất xơ

Để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, phụ nữ mang thai bị đái tháo đường cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, đủ chất dinh dưỡng. Cần đặc biệt chú ý điều chỉnh lượng carbohydrate. Vì nếu ăn quá nhiều carbohydrate có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Carbohydrate trong chế độ ăn uống có ba loại chính là đường, tinh bột và chất xơ. Một trong những mục đích chính của carbohydrate là cung cấp nhiên liệu cho cơ thể. Hầu hết carbs bị phân hủy hoặc chuyển hóa thành glucose, có thể được sử dụng làm năng lượng. Carbs cũng có thể được chuyển thành chất béo (năng lượng dự trữ) để sử dụng sau này.

Chất xơ là một ngoại lệ. Nó không cung cấp năng lượng trực tiếp, nhưng nó nuôi các vi khuẩn thân thiện trong hệ tiêu hóa. Những vi khuẩn này có thể sử dụng chất xơ để tạo ra axit béo mà một số tế bào của chúng ta có thể sử dụng làm năng lượng.

Không phải tất cả các loại carbs đều được tạo ra như nhau. Carbs tinh chế có liên quan đến béo phì và các bệnh chuyển hóa, nhưng carbohydrate toàn phần, được chế biến tối thiểu có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Carbohydrate tinh chế như: đồ uống có đường, bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh kẹo… có xu hướng gây tăng đột biến lượng đường trong máu. Còn các nguồn thực phẩm toàn phần chứa carbohydrate chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ đồng thời không gây ra mức tăng đột biến và giảm lượng đường trong máu.

Vì vậy, thai phụ nên hạn chế các loại carbohydrate tinh chế thay bằng carbohydrate toàn phần, giàu chất xơ như: trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt để duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định.

Ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định.

2.2. Tăng cường thực phẩm giàu protein

Ăn thực phẩm giàu protein giúp người bệnh đái tháo đường ổn định lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa rối loạn lipid máu.

Protein thực vật cũng giống như chất béo lành mạnh giúp tiêu hóa chậm, làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate vào máu. Protein cũng mất nhiều thời gian hơn để phân hủy, giúp bạn no lâu hơn. Nên ăn các thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, sữa ít béo, các loại đậu, sản phẩm từ đậu nành…

2.3. Tăng cường rau xanh và trái cây

Thai phụ bị đái tháo đường nên ăn các loại rau có lá màu xanh đậm và rau không chứa tinh bột. Các loại rau có lá màu xanh đậm rất giàu vitamin A, C, K và các khoáng chất như sắt, canxi. Các loại rau không chứa tinh bột như: hành tây, nấm, dưa leo, bí ngòi, bông cải xanh, cần tây… rất giàu chất xơ và ít carbohydrate, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Phần lớn trái cây tự nhiên có chỉ số đường huyết thấp vì chúng chứa đường fructose và chất xơ. Táo, lê, cam, bưởi và các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất… có hàm lượng đường thấp, tốt cho thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ.

Dâu tây có hàm lượng đường thấp, tốt cho thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ.

2.4. Chọn chất béo lành mạnh

Không nên cắt giảm hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn uống vì chất béo cung cấp năng lượng và cần thiết cho sự phát triển trí não của thai nhi.

Nên giảm chất béo động vật vì có nhiều axit béo bão hòa dễ gây xơ vữa động mạch. Chọn chất béo lành mạnh như: dầu ô liu, các loại hạt, quả bơ… sẽ giúp thai phụ cảm thấy no và có lợi cho sức khỏe tim mạch.

3. Một số thực phẩm cần hạn chế

  • Hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Đồ uống, thực phẩm có đường
  • Đồ uống có cồn như rượu, bia
  • Thực phẩm giàu tinh bột
  • Thức ăn nhanh
  • Hạn chế hoặc tránh thực phẩm chế biến sẵn
  • Tránh thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa như: bánh hamburger, pho mát, thịt xông khói, bơ…

Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ nên hạn chế ăn bánh ngọt.

4. Một số đồ ăn nhẹ tốt cho phụ nữ mang thai bị đái tháo đường

Đồ ăn nhẹ rất tốt để giữ lượng đường trong máu ổn định và để đáp ứng cơn thèm ăn vặt giữa các bữa ăn. Thai phụ có thể lựa chọn một số đồ ăn nhẹ lành mạnh dưới đây:

  • Rau luộc, hấp hoặc rau trộn thịt
  • Trứng tráng nguyên quả hoặc lòng trắng trứng. Trứng nguyên quả là một nguồn tuyệt vời của nhiều chất dinh dưỡng trong khi lòng trắng trứng cung cấp hầu hết là protein.
  • Yến mạch kết hợp với quả mọng như dâu tây, việt quất…
  • Trái cây tươi trộn với một ít các loại hạt
  • Ức gà
  • Cá hấp hoặc nướng, đặc biệt là cá béo như cá hồi
  • Sữa chua Hy Lạp không đường phủ hạt hướng dương, táo thái hạt lựu hoặc dâu tây, việt quất…
Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống