Hội thảo quốc gia “Nâng cao năng lực để cải thiện dinh dưỡng thông qua hệ thống thực phẩm cho các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội và khối tư nhân”

Cập nhật: 4/4/2022 - Lượt xem: 6963

Hà Nội, 31 tháng 3 năm 2022. Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho các hệ thống lương thực-thực phẩm nhạy cảm về dinh dưỡng thông qua phương pháp tiếp cận đa bên”, FAO và các đối tác hôm nay tổ chức hội thảo quốc gia để nắm bắt tiến độ của dự án và huy động thêm các bên liên quan trong nước để thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các khoản đầu tư chú trọng dinh dưỡng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Hội thảo có ba mục tiêu: (i) Trình bày các kết quả dự án đạt được từ sự hợp tác của các tổ chức đối tác; (ii) tạo thuận lợi cho đối thoại về chính sách môi trường cần thiết để hỗ trợ các SME trong việc cung cấp thực phẩm lành mạnh; và (iii) tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận về hỗ trợ phát triển năng lực của các SME bởi các tổ chức phát triển quốc tế khác và các đối tác Nhật Bản.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ  chiếm số lượng lớn trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Trong hơn 25 năm qua, các doanh nghiệp này đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực, ổn định xã hội của đất nước cũng như công tác giảm nghèo.

Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành lương thực-thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người. Với vai trò then chốt trong việc hình thành nên môi trường cho việc tiếp cận và bán thực phẩm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng góp vào việc tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với các thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh, đồng thời tạo việc làm và cơ hội tăng thu nhập.

Lĩnh vực lương thực-thực phẩm cũng có nhiều thành công và đạt kết quả tích cực về xuất khẩu và thị trường trong nước nhờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, cần có một số cải thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang phải đối mặt với những rào cản trong việc cung cấp thực phẩm lành mạnh một cách bền vững. Những rào cản này có thể liên quan đến tài chính, cơ sở hạ tầng, và những thách thức về chính sách có ảnh hưởng tới hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các hoạt động từ sản xuất cho tới phân phối thực phẩm, cũng như khả năng tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp này.

Trong 5 năm qua, FAO với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) Nhật Bản đã thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực cho các hệ thống lương thực-thực phẩm nhạy cảm về dinh dưỡng thông qua phương pháp tiếp cận đa bên”. Dự án này được thực hiện tại Ghana, Kenya và Việt Nam, với mục tiêu nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực lương thực-thực phẩm trong việc áp dụng các phương pháp tiếp cận nhạy cảm về dinh dưỡng trong hoạt động kinh doanh của mình.

Trong giai đoạn cuối của quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam, hội thảo quốc gia hôm nay  tổ chức tại Hà nội quy tụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đối tác chính phủ, các viện, trường, tổ chức quốc tế, cũng như đại diện từ các quốc gia khác tham gia dự án.

FAO cùng với các đối tác đã trình bày những kết quả đạt được của dự án, đồng thời các đại biểu cũng đã thảo luận về các giải pháp cải thiện môi trường chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho việc áp dụng các phương pháp tiếp cận nhạy cảm về dinh dưỡng trong lĩnh vực lương thực-thực phẩm. Các đại biểu tham dự cũng đã có cơ hội thảo luận tìm ra những giải pháp nhằm tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực đã được phát triển trong khuôn khổ dự án, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận đối với các hoạt động này.

Kết quả của dự án này sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm rất quan trọng góp phần thúc đẩy việc thực hiện khung chương trình quốc gia 2022-2026 sắp tới, trong đó FAO đóng vai trò quan trọng đặc biệt về an toàn thực phẩm, sản xuất và tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, Ông Rémi Nono Womdim phát biểu tại buổi khai mạc hội thảo.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

  
                    
  
  Toàn cảnh Hội thảo