Dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời, chìa khóa vàng cho tương lai của trẻ

Cập nhật: 12/21/2021 - Lượt xem: 6573

Để trẻ phát triển khỏe mạnh, đạt chiều cao lý tưởng, thông minh với chỉ số IQ cao hơn 10 điểm chúng ta cần quan tâm đến dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày đầu đời, đây chính là chìa khóa vàng về sự phát triển thể lực và trí tuệ trong tương lai của trẻ.

1000 ngày đầu đời: chính là khoảng thời gian bắt đầu ngay từ khi trẻ được thụ thai cho đến khi trẻ được hai tuổi (tức tròn 24 tháng tuổi). Đây là giai đoạn rất giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Giai đoạn mà trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ với tốc độ nhanh hơn bất kỳ giai đoạn phát triển nào trong cuộc đời trẻ.

1000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được thụ thai đến khi trẻ được tròn 2 tuổi

Thực trạng chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong thời gian này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng tăng trưởng, phát triển và học tập của trẻ. Điều này là do não bộ của con người phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời, nhưng thời kỳ não bộ phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất là trong ba tháng cuối của thai kỳ và hai năm đầu đời của trẻ, đạt tới 80% trọng lượng của não trưởng thành. Đây là giai đoạn tốc độ tăng sinh số lượng tế bào thần kinh nhanh chóng; là giai đoạn tăng trưởng và biệt hóa, kết nối của các tế bào thần kinh. Cho nên, khoảng thời gian này sự cung cấp dinh dưỡng tối ưu là để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ và đây là thời điểm não dễ bị tổn thương nhất nếu có sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng.

Dinh dưỡng được cho là đóng một vai trò nền tảng đối với sự phát triển của trẻ và khả năng phát triển thịnh vượng của đất nước. Chế độ dinh dưỡng kém trong 1.000 ngày đầu có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi đối với não bộ đang phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng học tập ở trường và kiếm sống khi trưởng thành, khiến trẻ và gia đình khó vươn lên thoát khỏi tình trạng nghèo, đói. Nó cũng có thể tạo tiền đề cho bệnh béo phì, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác sau này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe suốt đời.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia không đầu tư vào cải thiện dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời sẽ mất hàng tỷ đô la do giảm năng suất lao động và chi phí y tế cao hơn. Đó là lý do tại sao một số nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào dinh dưỡng và sức khỏe của bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhằm tạo ra tương lai tươi sáng và thịnh vượng hơn cho tất cả chúng ta.

Chiến lược dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng cần tập trung vào các can thiệp được chứng minh là có hiệu quả, khả thi, có thể triển khai trên diện rộng và có chi phí hiệu quả cao, đó là:

  • Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, bao gồm bổ sung sắt/axit folic hoặc đa vi chất.
  • Khuyến khích và hỗ trợ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ 6 đến 23 tháng tuổi.
  • Cải thiện tình trạng vi chất của trẻ (đặc biệt là vitamin A và kẽm).
  • Đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân và điều kiện vệ sinh.

Lời khuyên về nuôi dưỡng trẻ nhỏ

Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung không hợp lý, cùng với mắc các bệnh nhiễm khuẩn là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 2 tuổi. Do đó thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự sống còn của trẻ. Các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ tối ưu bao gồm:

Hãy cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh giúp cho việc tiết sữa nhanh hơn
  • Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh;
  • Không cho trẻ ăn hoặc uống gì trước khi cho bú mẹ;
  • Cho trẻ bú theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm;
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu;


  • Không cho trẻ ăn bằng bình bú với núm vú giả;
  • Cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn;
  • Bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (đủ 180 ngày);
  • Cho trẻ ăn đủ số bữa theo khuyến nghị;
  • Cho trẻ ăn đáp ứng yêu cầu về năng lượng hàng ngày theo khuyến nghị;
  • Cho trẻ ăn thực phẩm giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng;
 
  • Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm với ít nhất 5 trong 8 loại nhóm thực phẩm theo khuyến cáo hàng ngày (bao gồm ngũ cốc, hạt và đậu đỗ, rau quả giàu vitamin A, rau quả khác, thịt/cá/phủ tạng, trứng, sữa, dầu mỡ)
  • Cho trẻ ăn thực phẩm giàu sắt hàng ngày;
  • Cho trẻ ăn thịt, cá hàng ngày;
  • Hỗ trợ và chăm cho trẻ ăn no trong các bữa ăn.

TS. Nguyễn Song Tú – Viện Dinh dưỡng