Cách giảm muối trong khẩu phần ăn cho người tăng huyết áp

Cập nhật: 7/24/2022 - Lượt xem: 5699

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính tuy thầm lặng nhưng lại rất nguy hiểm mà nguyên nhân lớn là đến từ thói quen ăn mặn. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng đã đưa ra một vài gợi ý để giảm muối hiệu quả cho người tăng huyết áp.

Một số cách giúp hạn chế muối hiệu quả

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn - Trung tâm Khám Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng & kiểm soát béo phì - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia) cho biết theo thống kê, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối cao gấp đôi so với mức khuyến nghị. Vấn đề này bắt nguồn từ thói quen kéo dài qua nhiều thế hệ, nhất là ở giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, lượng lương thực thực phẩm không được đảm bảo như hiện tại, người dân buộc phải sử dụng muối để có thể kéo dài tuổi thọ của thực phẩm.

Bs. Hưng chia sẻ: "Chúng tôi vẫn luôn khuyến nghị việc giảm lượng muối hằng ngày từ chính nhận thức của người dân là một cách tốt nhất, tuy nhiên đúng như bạn chia sẻ, để thay đổi thói quen ăn mặn của người dân thì rất khó và không phải một sớm một chiều. Vì vậy có thể áp dụng 1 số phương pháp để giúp cho chúng ta hạn chế dùng muối hơn." Cụ thể như sau:

- Xem hàm lượng natri trên nhãn dán và tính hàm lượng muối trong thực phẩm

- Giảm dần lượng muối dưới 10%/lần để người ăn không nhận ra

- Giảm kích thước hạt muối phủ trên bề mặt

- Không đặt lọ muối, mắm, nước tương…trên bàn ăn

- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biên sẵn như: dưa, cà, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp….

- Giảm lượng muối tiêu thụ và có thể kết hợp sử dụng một số thành phần tạo hương vị, chẳng hạn như bột ngọt để Giảm muối ăn mà vẫn ngon miệng.

Cách giảm muối trong khẩu phần ăn cho người tăng huyết áp

Một số cách giúp giảm muối ăn vào để ngừa tăng huyết áp

Vì sao nên sử dụng bột ngọt để giảm muối ăn

Chế độ ăn giảm muối thường khó thực hiện vì việc giảm lượng muối sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vị giác của người ăn: như vị mặn, vị ngọt, vị ngon của món ăn giảm đi, trong khi vị đắng và sự khó chịu của vị đắng lại tăng lên. Bột ngọt được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm muối mà vẫn duy trì vị ngon của món ăn, do bột ngọt có vị umami hay vị ngọt thịt, giúp điều hòa các vị cơ bản, giúp tạo cảm giác thỏa mãn sau khi ăn, từ đó, giúp nâng vị ngon tổng thể của món ăn giảm muối. Hơn thế nữa, hàm lượng natri trong bột ngọt chỉ bằng ⅓ lượng natri trong muối ăn, do đó, khi sử dụng bột ngọt vẫn đảm bảo duy trì được vị ngon của món ăn mà giảm được đáng kể lượng muối ăn vào.

Cách giảm muối trong khẩu phần ăn cho người tăng huyết áp

Hướng dẫn giảm muối hiệu quả sử dụng bột ngọt

Sử dụng bột ngọt để giảm muối ăn vào mà vẫn ngon miệng đã và đang được áp dụng nhiều tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật bản, Phần Lan… và đem lại những hiệu quả tích cực bởi vừa có thể giảm muối mà vẫn đảm bảo được vị ngon, vị giác của người ăn.

Từ năm 1984, các nhà khoa học về dinh dưỡng đã nghiên cứu khả năng ứng dụng của bột ngọt trong các chế độ ăn giảm muối mà vẫn duy trì được sự ngon miệng của món ăn. Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, bằng cách giảm một nửa lượng muối kết hợp với sử dụng bột ngọt, hoàn toàn có thể giúp duy trì được vị ngon của món ăn, trong khi giảm lượng natri ăn vào đến 30-40%. Cụ thể, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng bật mí thay vì nêm 8g muối cho 1 lít nước dùng, bạn có thể nêm 4g muối và 4,8g bột ngọt, từ đó có thể giảm đến 31% lượng natri tiêu thụ, nhưng món ăn vẫn ngon và vừa miệng.

Bột ngọt có an toàn để sử dụng trong chế độ ăn giảm muối?

Giải đáp về tính an toàn của bột ngọt khi ứng dụng vào chế độ ăn giảm muối, bác sĩ Hưng cho biết bột ngọt là monosodium glutamate (MSG), là gia vị umami xuất hiện phổ biến hơn 1 thế kỷ nay được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như mía, sắn, củ cải đường….

Cha đẻ của bột ngọt chính là giáo sư hóa sinh người Nhật Bản tên là Kikunae Ikeda với thương hiệu bột ngọt Ajinomoto.

Bột ngọt là một gia vị an toàn, đã được nghiên cứu và kiểm nghiệm lâm sàng bởi nhiều tổ chức và cơ quan y tế uy tín như Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (JECFA), Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xếp bột ngọt vào danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng.

Một số người lo ngại bột ngọt có hại cho trí não, nhưng theo TS. BS Hưng phân tích, con người ăn bột ngọt qua đường tiêu hóa chứ không tiêm trực tiếp vào cơ thể. Khi con người ăn vào qua đường tiêu hóa, hầu hết glutamate từ bột ngọt sẽ được sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động của ruột. Ngoài ra, hàng rào máu – não trong não bộ có cơ chế ngăn sự di chuyển của glutamate sẵn có trong máu đi vào não. Vì vậy những hiểu lầm bột ngọt có hại cho trí não hay gây giảm trí nhớ là thiếu căn cứ khoa học.

Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống