Ăn nhiều thức ăn nhanh có gây bệnh tim không?

Cập nhật: 8/11/2022 - Lượt xem: 7201

Thức ăn nhanh rất tiện lợi, rẻ tiền và ngon miệng. Tuy nhiên nó thường chứa nhiều calo, chất béo, đường, muối, carbohydrate tinh chế và cholesterol. Đó là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim.

1. Thức ăn nhanh - tiện lợi nhưng không tốt cho sức khỏe

Sử dụng đồ ăn nhanh, chế biến sẵn là xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Tuy rất tiện lợi nhưng nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thức ăn nhanh thường chứa nhiều calo, nhiều chất béo, nhiều đạm, thiếu vitamin và khoáng chất nên khả năng gây béo phì cho những ai có xu hướng lạm dụng chúng là rất cao.

Bữa ăn nhanh thường không đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, không cân đối về khẩu phần. Thức ăn nhanh có thể có một số chất độc hại được sinh ra trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm.

Vì vậy, nếu sử dụng thức ăn nhanh kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, có thể dẫn tới các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng mỡ máu, tăng huyết áp...

Hầu hết thức ăn nhanh, bao gồm cả đồ uống và đồ ăn vặt như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, trà sữa, nước có gas… đều chứa nhiều carbohydrate, rất ít hoặc không có chất xơ.

Khi tiêu hóa những thực phẩm này, carbs được giải phóng dưới dạng glucose (đường) vào máu dẫn đến làm tăng lượng đường trong máu gây bệnh đái tháo đường...

2. Thức ăn nhanh ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như thế nào?

Các nghiên cứu đã xác định mối liên hệ giữa tiêu thụ thức ăn nhanh và tăng nguy cơ phát triển hoặc tử vong do bệnh tim.

Ăn thức ăn nhanh có thể làm tăng lượng calo, tổng chất béo, chất béo bão hòa, cholesterol và natri, cộng với đường từ nước ngọt, có thể làm thay đổi các yếu tố trao đổi chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do tăng chỉ số khối cơ thể và vòng eo, chất béo trung tính cao và mức độ lipoprotein mật độ thấp - một dạng cholesterol tốt.

Mối quan tâm hàng đầu xung quanh việc tiêu thụ thức ăn nhanh là nó có thể cung cấp một lượng dinh dưỡng không cân đối. Cụ thể, tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây béo phì. Nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên khi cân nặng và vòng eo của bạn tăng lên. Ăn quá nhiều muối làm tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim. Thường xuyên tiêu thụ chất béo bão hòa dư thừa làm tăng mức cholesterol trong máu, một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch và đột quỵ.

Chất béo chuyển hóa là chất béo được tạo ra trong quá trình chế biến thực phẩm. Nó thường được tìm thấy trong thức ăn nhanh như: các loại bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy, bột bánh pizza…

Không có lượng chất béo chuyển hóa nào là tốt hoặc có lợi cho sức khỏe. Ăn thực phẩm có chứa chất này có thể làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim.

Chế độ ăn có nhiều muối cũng nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh về huyết áp. Ăn quá nhiều muối làm tăng huyết áp và làm hư hại mạch máu. Nó cũng làm tăng nguy cơ suy tim, đau tim và đột quỵ.

3. Ăn thức nhanh như thế nào để hạn chế nguy cơ mắc bệnh?

Số lượng các bữa ăn sử dụng thức ăn nhanh và cách lựa chọn món đóng vai trò chủ yếu tác động đến sức khỏe của bạn. Vì vậy, để hạn chế những tác động không có lợi, trước tiên, chúng ta nên hạn chế sử dụng thức ăn nhanh.

Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, để duy trì sức khỏe tốt bạn cần có một chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng. Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng) và phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm khác nhau hàng ngày.

Nên ưu tiên các thực phẩm lành mạnh khi lựa chọn thực phẩm. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh sẽ cho chúng ta bữa ăn lành mạnh và chế độ ăn lành mạnh. Điều này giúp tăng cường sức khỏe, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

Thực phẩm lành mạnh là những thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, toàn phần, có ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và muối như: rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh…

Nếu sử dụng thức ăn nhanh, theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, tùy theo chủng loại (thức ăn nhanh giàu đạm, giàu tinh bột, nhiều chất béo, nhiều muối) mà chúng ta lựa chọn các thực phẩm bổ sung thêm vào trong bữa ăn như: bổ sung thêm rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ đồng thời nó giúp thải bỏ lượng mỡ dư thừa; bỏ bớt muối để món ăn nhạt hơn.

Ngoài ra, cần thường xuyên vận động thể lực đều đặn hàng ngày tùy thuộc điều kiện và tình trạng sức khỏe mỗi người như: đi bộ, chạy, nhảy dây, cầu lông, bóng chuyền…

Thu Phương – Báo Sức khỏe & đời sống