Những điểm cần lưu ý khi bổ sung magie

Cập nhật: 7/18/2020 - Lượt xem: 4402
Magie là khoáng chất rất cần thiết cho nhiều hoạt động sống của cơ thể. Khi cơ thể thiếu khoáng chất này sẽ sinh ra nhiều bệnh lý, vì vậy chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ magie cho cơ thể, nhưng bổ sung sao cho đủ, đúng và an toàn...
 

Công dụng của magie

 

Magie (Mg) là một trong các nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng của cơ thể như: Tham gia cấu trúc tế bào, tổng hợp protein và tổng hợp chất sinh năng lượng ATP...

 

Magie còn có vai trò hoạt hóa khoảng 300 men tham gia chuyển hóa các chất protein, lipid và glucid. Nó cũng giúp vận hành các hoạt động sinh lý như: Làm dịu thần kinh nhờ cố định trên tế bào thần kinh (nếu thiếu magie, thần kinh dễ bị kích thích, gây co giật); làm giảm độ dẫn truyền và giảm kích thích cơ tim nên được dùng điều trị rối loạn thần kinh tim; chống giảm oxy máu, bảo vệ thành mạch máu, là chất ổn định tiểu cầu. Cùng với canxi, magie cần thiết cho sự phát triển của xương, giúp chống lại quá trình lão hóa xương. Magie kích thích chức năng thận, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều loại hormon.

 

Có thể tóm tắt những tác dụng của magie như: Giúp làm giảm độc tính do hóa trị, xạ trị, giảm nguy cơ ung thư, cải thiện tình trạng rối loạn lo âu và stress, giảm nguy cơ đái tháo đường type 2, nguy cơ đột tử do tim, nguy cơ loãng xương, cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi, giảm nguy cơ tăng huyết áp, nguy cơ sỏi thận, giảm chuột rút ở phụ nữ mang thai...

 

Những đối tượng sau đây được khuyến cáo bổ sung magie: người nghiện rượu bia; người hoạt động cần nhiều năng lượng (vận động viên, làm việc chân tay nặng); người đang dùng viên ngừa thai chứa estrogen; người bị bệnh đái tháo đường type II, tăng huyết áp; người lớn tuổi bị bệnh tim mạch. Những người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch khi dùng thức ăn giàu magie hay thuốc chứa magie cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.

 

Nên bổ sung magie qua thực phẩm.

Nên bổ sung magie qua thực phẩm.

 

Một số điểm cần lưu ý khi dùng magie

 

Calci, phospho làm giảm hấp thu magie tại ruột non vì thế không được dùng kết hợp. Khi vừa thiếu calci vừa thiếu magie (chẳng hạn như người mãn kinh) thì phải bù magie trước, bù calci sau.

 

Magie và vitamin B6 cùng tham gia vào các enzym chuyển hóa nên thường phối hợp với nhau. Khi dùng các sản phẩm phối hợp này cần lưu ý không dùng đồng thời với thuốc chữa Parkinson levodopa vì vitamin B6 ức chế thuốc này.

 

Magie và kali đều có tác dụng trên tim và thường được phối hợp với nhau. Khi dùng sản phẩm phối hợp này cần có ý kiến của thầy thuốc, tuân thủ liều lượng vì quá liều, hai thành phần của thuốc đều gây nguy hiểm.

 

Người già dùng nhiều magie sẽ làm tăng magie máu, nếu không điều trị tích cực sẽ gây buồn nôn, nôn ói, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy người già cần cẩn thận khi dùng các thuốc chứa nhiều magie, đảm bảo cho việc dùng thuốc không vượt quá mức cần thiết.

 

Magiê trong thức ăn thực vật cao hơn động vật, trong lương thực và đậu cao hơn rau, trong rau lá xanh đậm cao hơn rau lá nhạt màu. Tính trong 100g thức ăn thì lượng magie (tính bằng mg) lần lượt là: nhân quả bàng: 600; hạt vừng đen: 347; lạc nhân: 306; đậu nành: 279; hạt vừng trắng: 220; đậu xanh: 200; đậu trắng: 145; rau ngót: 129; gạo lức: 112; rau dền cơm: 105.

 

Thay đổi các loại thức ăn một cách khôn ngoan sẽ có đủ lượng magie cần thiết: Một đĩa rau xà lách (lá nhạt) chỉ cho 4mg nhưng nếu thay bằng rau diếp (lá xanh đậm) thì có 8mg. Chỉ ăn một vốc nhỏ hạt điều có 50-80mg trong khi để có được số lượng magie tương đương cần ăn 80g gạo lứt. Ngay cả người thiếu magie thì nếu ăn đủ thức ăn cũng đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu và chỉ cần bổ sung bằng thuốc 50% nhu cầu còn lại.

Nguồn: Sức khỏe đời sống