Chế độ ăn giảm muối trong ung thư dạ dày

Cập nhật: 7/3/2019 - Lượt xem: 9096

Mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần với sự gia tăng nguy cơ của ung thư dạ dày đã được biết đến từ lâu. Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.

Các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bao gồm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, kém ngon miệng, cảm giác no liên tục, chảy máu hoặc có các cục máu, có máu trong phân, đau và/hoặc yếu mệt.

Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn. Muối làm vi khuẩn  HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác. Nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn. Một nghiên cứu khác còn tìm thấy rằng với mỗi gram muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%.

Hiện nay chúng ta đang ăn quá nhiều muối, nhiều gấp đôi nhu cầu cơ thể cần. Do đó những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày của mình cẩn thận, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối mà mình vẫn ưa thích.

 TS. Nghiêm Nguyệt Thu - Viện Dinh dưỡng Quốc gia