Nhu cầu các chất dinh dưỡng và đặc biệt là natri cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt quan trọng đối với những người lao động nặng. Khẩu phần muối không chỉ quyết định năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nếu không được quan tâm đúng mức.
Đặc trưng của lao động nặng là tiêu hao thể lực với đặc trưng là hiện tượng vận cơ và tiêu hao năng lượng tăng lên để phù hợp với yêu cầu lao động. Cơ thể người lao động muốn tạo ra năng lượng thì cần phải có các chất sinh năng lượng (Glucid, lipid và protein) và oxy để đốt cháy các chất này. Năng lượng sinh ra từ các chất sinh năng lượng một phần ở dạng công một phần ở dạng nhiệt. Nhiệt làm nóng cơ thể và cơ quan điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ phải đáp ứng theo như bài tiết mồ hôi, tăng nhịp thở, dãn mạch ngoại biên.
Do bài tiết mồ hôi nhiều nên lượng nước tiểu của người lao động nặng thường giảm. Hiện tượng giãn mạch ngoại biên làm cho lượng máu qua thận giảm đi tùy theo cường độ lao động và sự mệt mỏi trong lao động, nhiệt độ môi trường và điều kiện lao động kết hợp với hiện tượng điều hòa thân nhiệt làm cho lượng mồ hôi được thoát ra có khi tới 3 hoặc 4 lít trong một ca lao động. Trong mồ hôi thành phần chính là nước (98%), 2% là muối vô cơ và sản phẩm chuyển hóa. Người lao động trong môi trường nóng mất quá nhiều mồ hôi sẽ gây mất cả nước và muối (natri). Na là một chất điện giải chính có vai trò điều hòa áp lực thẩm thấu và cân bằng thể dịch, cân bằng acid-base, hoạt động điện sinh lý trong cơ, thần kinh và chống lại các yếu tố gây sức ép đối với hệ thống tim mạch. Ở người khỏe mạnh, gần như 100% Na ăn vào được hấp thu trong quá trình tiêu hóa, và bài tiết qua nước tiểu là cơ chế cơ bản để duy trì cân bằng Na. Thậm chí trong môi trường nóng, ẩm, chỉ có một lượng rất nhỏ Na mất qua phân và nước tiểu. Việc thích nghi của cơ thể người lao động nặng với môi trường nóng xảy ra nhanh chóng; do vậy, trong vòng vài ngày phải làm việc với điều kiện nóng và ẩm, cơ thể người lao động nặng chỉ mất một lượng rất nhỏ Natri qua mồ hôi. Nếu người lao động nặng phải làm việc trong điều kiện rất nóng và hoạt động thể lực cường độ cao tạo ra nhiều mồ hôi, thì Na mất qua mồ hôi tăng đáng kể. Tuy nhiên, hầu hết người lao động nặng đều có thể bù lượng Na cần thiết khá dễ dàng thông qua chế độ ăn uống thường ngày mà không cần thay đổi thói quen ăn uống, hay bổ sung các sản phẩm có công thức đặc biệt.
Nếu người lao động nặng lại phải làm việc trong điều kiện trời rất nóng, ra mồ hôi quá nhiều có thể gây mất nước tại khu vực ngoài tế bào hoặc thậm chí là mất nước toàn bộ. Trong trường hợp này, cơ thể mất nước nhiều hơn mất muối, gây ra trạng thái ưu trương tại khu vực ngoài tế bào và kéo nước ở trong tế bào ra, gây mất nước tế bào và phát sinh mất nước toàn bộ. Người lao động nếu không được bổ sung kịp thời sẽ là tiền đề cho các rối loạn sinh lý, bệnh lý như hạ huyết áp, mạch nhanh, đái ít, da khô, khát nước, nếu nặng có thể dẫn đến sốt, rối loạn tâm thần, thần kinh... Vì vậy, người lao động nặng cần được cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khẩu phần hàng ngày của người lao động nặng nên được cung cấp dưới 2000mg natri (tương đương với <5g muối/ngày). Trong khẩu phần của người Việt Nam thì khoảng 10% lượng natri đã có sẵn trong thực phẩm tự nhiên, 20% lượng natri đến từ các thực phẩm chế biến sẵn và 70% lượng natri là do người lao động cho vào trong quá trình chế biến và ăn. Natri thường có trong thức ăn nguồn động vật nhiều hơn thức ăn nguồn thực vật. Natri được tìm thấy có sẵn trong nhiều loại thực phẩm như sữa, thịt và hải sản. Na thường có nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn như bánh mỳ, bánh quy, thịt chế biến sẵn và đồ ăn vặt (snack foods). Na cũng có nhiều trong nhiều loại gia vị (như nước mắm, xì dầu, bột canh, hạt nêm …). Do đó, khi người lao động lựa chọn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và ít rau quả làm cho bữa ăn thường có nhiều Na.
Tăng khẩu phần Na có liên quan tới tăng huyết áp, trong khi giảm khẩu phần Na làm giảm huyết áp ở người trưởng thành. Khẩu phần Natri tăng cũng liên quan trực tiếp tới các bệnh tim mạch, nhất là đột quỵ và bệnh mạch vành tim. Giảm khẩu phần Na không chỉ giúp người lao động có sức khỏe tốt hơn, làm giảm tỷ lệ mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày mà còn làm tăng thu nhập và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe của người lao động.
PGS. TS. Lê Bạch Mai - Viện Dinh dưỡng