Bí quyết tạo vi sinh vật có lợi trong đường ruột của trẻ

Cập nhật: 10/17/2021 - Lượt xem: 9781

Hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ miễn dịch và chức năng điều hòa miễn dịch. Để trẻ khỏe mạnh, hãy tạo vi sinh vật có lợi trong đường ruột của trẻ.

Tế bào miễn dịch ở ruột chiếm tổng số 80%

Thành phần của hệ vi sinh đường ruột của con người thay đổi theo thời gian, do nhiều yếu tố quyết định: di truyền, yếu tố người mẹ (bao gồm cả trước sinh), môi trường khi chế độ ăn thay đổi và những thay đổi về sức khỏe tổng thể.

Ngay từ khi sinh ra đến 8 giờ sau đẻ, trong dạ dày và ruột của trẻ em hầu như không có vi khuẩn. Sau đẻ 8 giờ, vi khuẩn xâm nhập vào ruột qua miệng, hô hấp và trực tràng, do đó mức độ và thành phần vi khuẩn phụ thuộc nhiều vào môi trường.

 
Vi sinh vật trong đường tiêu hóa

Từ 2 tuổi trở lên, hệ vi sinh đường ruột ở trẻ dần dần đa dạng như người lớn và tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời. Lúc này hệ vi sinh vật đường ruột sẽ sống cộng sinh với cơ thể trẻ.

Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh sẽ nhanh chóng trưởng thành dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố như hệ vi sinh vật, chế độ ăn, tiếp xúc với vi sinh vật mới, các chất lạ sinh học (kháng sinh…), và những sự tiếp xúc với môi trường lạ.

Ở trạng thái cơ thể khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột có khoảng 100.000 tỷ vi khuẩn với hơn 500 loài khác nhau tồn tại bao gồm cả các vi sinh vật có lợi (lợi khuẩn 85%) và các vi khuẩn gây bệnh (15%).

Mặc dù có sự góp mặt của các vi khuẩn gây bệnh nhưng cơ thể vẫn đạt được trạng thái khỏe mạnh chính là nhờ cơ chế điều hòa miễn dịch tại ruột.

Các tế bào miễn dịch ở ruột chiếm tổng số 80% các tế bào miễn dịch trong cơ thể người và hệ vi sinh đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc hoạt hóa các tế bào miễn dịch này. Hệ vi sinh vật đường ruột còn chịu trách nhiệm về sự toàn vẹn và chức năng của đường tiêu hóa.

Vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa.

 Giúp vi khuẩn có lợi phát triển

Để nâng cao miễn dịch, giúp vi sinh vật có lợi phát triển trong đường ruột của trẻ cần:

Giúp vi khuẩn có lợi phát triển: Bảo vệ cơ thể khỏi những vi sinh vật có hại bằng cách bổ sung dinh dưỡng giúp các vi khuẩn có lợi phát triển để cạnh tranh với các vi khuẩn có hại.

Kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi, khả năng chống ung thư, sản sinh ra các phân tử quan trọng (vitamin K và một số vitamin nhóm B, các acid béo chuỗi ngắn…),

Những vi sinh vật có lợi trong hệ vi khuẩn đường ruột giúp tiêu hóa một số loại thức ăn nhất định (olygochacarite, chất xơ…); Trong quá trình tiêu hóa carbohydrate, vi sinh vật sản sinh các axit béo chuỗi ngắn và các axit béo này được sử dụng làm năng lượng cho các tế bào ở đại tràng.

Quá trình sản xuất axit béo cũng kích thích nhu động ruột, giảm nguy cơ tiêu chảy hoặc táo bón. Vi khuẩn làm lên men những thức ăn chưa được tiêu hóa ở đoạn trên của ống tiêu hóa, tạo điều kiện hấp thu khoáng chất trong chế độ ăn (canxi, magie, sắt…).

Giúp kiểm soát hệ miễn dịch: một số chủng Bifidobacteria và Lactobacilli có tác động lên miễn dịch dịch thể, đặc biệt là tăng bài tiết IgA và các immunoglobulin khác. Việc tăng IgA đặc hiệu đối với Rotavirus sau khi bị nhiễm trùng hoặc các IgA chống bại liệt sau khi được tiêm chủng cũng được chứng minh.

Thêm vào đó một vài probiotic có tác dụng tốt lên việc bài tiết cytokin, giảm anti-trypsin trong phân, eosynophyl protein X trong nước tiểu, TNF-a làm thay đổi TGF- beta và cytokin khác làm giảm các chất xúc tác gây viêm đặc biệt là ở những trẻ có đáp ứng miễn dịch mạnh như trong phản ứng đặc dị (atopy).

Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung probiotics kích thích tăng sản đại thực bào và tăng thực bào, giảm sự thẩm thấu của ruột khi bổ sung Lactobacilli và ở những trẻ đẻ non được bổ sung Bifidobacteria.

Duy trì cấu trúc và chức năng của đường tiêu hóa: Duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc ruột. Vi khuẩn Lactobacilli và Bifidobacteria trong hệ tiêu hóa có khả năng ngăn cản sự khu trú của các vi khuẩn khác, giúp bảo vệ đường ruột. Cụ thể, chúng bài tiết các chất kháng khuẩn, giúp ức chế sự bám sinh của các vi sinh vật gây bệnh.

Lợi khuẩn phá vỡ cấu trúc lactose trong sữa, giúp cho các trường hợp không dung nạp được lactose có thể hấp thu đường lactose bình thường.

TS. BS. Nguyễn Thị Lương Hạnh – Viện Dinh dưỡng (nguồn: Báo Khoa học & đời sống)