Gia tăng bệnh lý với gánh nặng kép về dinh dưỡng

Cập nhật: 11/9/2020 - Lượt xem: 3719
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít hoạt động thể lực là những nguyên nhân gây gia tăng các bệnh với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Từ ngày 16 – 23/10, tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” được diễn ra với chủ đề là “Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững”.
 
Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm nay, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" từ ngày 16 – 23/10/2020 với chủ đề là "Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững". Qua đây nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cũng như tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về chế độ dinh dưỡng, vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.

Năm nay, tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" diễn ra trong tình hình hết sức đặc biệt về dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu gây sạt lở, ngập úng, lũ lụt đang diễn ra rất nặng nề đã và đang đe dọa đến an ninh lương thực, thu nhập, công ăn việc làm,…gây ra hiện tượng thiếu đói cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân… Theo đó, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo với thông điệp của tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển":

+ Phát triển VAC để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình

+ Sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu theo từng lứa tuổi; Tăng cường ăn rau, củ, trái cây và các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng

+ Thực hiện nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1000 ngày đầu đời của trẻ để giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành.

+ Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây; Kêu gọi toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con dưới 2 tuổi và những hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
 
Trong thời gian qua, nước ta đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còn ở mức cao (23,2% năm 2018) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn so với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 28,4% và Tây nguyên là 32,7%.

Cùng với đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Gánh nặng kép về dinh dưỡng ngày càng rõ rệt và khó khăn trong phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, thừa cân và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
 
Nguồn: Giadinh.net