Khuyến cáo về tác hại của đường tự do lên sức khoẻ
Theo một nghiên cứu gần đây của tác giả Nguyễn Thị Hồng Minh và Trịnh Đình Hải "Tình trạng sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em Việt Nam năm 2019" đã được đăng trên Tạp chí y học Việt Nam năm 2021 cho thấy, tỷ lệ trẻ bị sâu răng vĩnh viễn tăng lên theo tuổi, cao nhất là lứa tuổi 12 – 14 tuổi (1). Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu răng cao ở trẻ là bởi các yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có thói quen ăn nhiều thức ăn có chứa đường như sữa, bánh kẹo, nước ngọt ... và các biện pháp vệ sinh răng miệng cũng như dự phòng sâu răng chưa hợp lý, nồng độ fluor trong nguồn nước sinh hoạt không đủ (1).
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chững minh được mối quan hệ tuyến tính giữa việc sử dụng đường và sâu răng. Lượng đường tiêu thụ chiếm 10% năng lượng ăn vào gây ra gánh nặng chi phí cho chăm sóc răng miệng điều trị sâu răng. Những phát hiện này ngụ ý rằng để bảo vệ sức khoẻ răng miệng lượng đường tiêu thụ lý tưởng là <3% năng lượng ăn vào và <5% năng lượng ăn vào là một mục tiêu có thể thực hiện được (2). Đường đề cập trong các nghiên cứu là đường tự do (Free sugar) theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Lượng Đường tự do (Free Sugar) (bao gồm các loại đường đôi và đường đơn được bổ sung vào thực phẩm và đồ uống hoặc đường tự nhiên có trong mật ong, xi rô, nước ép trái cây và nước trái cây cô đặc…) trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe (WHO, 2015); có nghĩa tương đương dưới 25 - 50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 g đường mỗi ngày với trẻ em.
Với những bằng chứng về tác hại của đường tự do, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị giảm tiêu thụ đường tự do và không sử dụng đường cho chế độ ăn của trẻ dưới 1 tuổi.
Có nhiều thực phẩm chứa lượng đường tự do như đồ uống có đường, bánh kẹo ngọt, ngũ cốc… thậm chí cả những loại thức ăn bổ sung cho trẻ. Vậy tại sao đặc biệt chú ý tới Đồ uống có đường, và tại sao trẻ em không nên uống Đồ uống có đường?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm; và đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc), bao gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và sữa có pha chế hương liệu (3).
Đồ uống có đường được coi là nguồn tiêu thụ chủ yếu của đường tự do.
Đồ uống có đường được coi là nguồn tiêu thụ chủ yếu của đường tự do. Một trong những nguồn cung cấp đường tự do lớn nhất là đồ uống có đường (SSB). SSB là nguồn đóng góp đường tự do lớn nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Vương quốc Anh và đóng góp lớn thứ hai ở người lớn, từ mức đóng góp 25% NMES ở người lớn đến 40% ở thanh thiếu niên (4) (5). Một nửa lượng đường tự do trong các sản phẩm siêu chế biến là từ nước ngọt có ga. Gần một phần năm đến từ các loại nước trái cây và đồ uống có đường khác (5).
Trong khi đường được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng thêm tổng năng lượng của sản phẩm. Đồ uống có đường (SSB) chứa các loại đường bổ sung như đường sucrose hoặc xi-rô ngô fructose cao. Một phần 330ml hoặc 12oz đồ uống có đường có ga có đường thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác (6).
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, tiêu thụ nước ngọt với tần suất 1 lon một ngày có gây ra những ảnh hưởng xấu lên sức khoẻ như tăng nguy cơ mắc nhiều các bệnh lý liên quan đến hệ xương răng (sâu răng, gãy xương), béo phì, bệnh tim mạch, và rối loạn chuyển hoá… Trong một lon đồ uống có đường 330 ml thông thường có thể chứa tới 35g đường, khi trẻ uống hết 1 lon là đã vượt quá giới hạn khuyến nghị một ngày về lượng đường tự do cho trẻ.
Khuyến nghị từ WHO hạn chế tiêu thụ đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng ăn vào (4) dựa trên bằng chứng chất lượng vừa phải từ các nghiên cứu quan sát về sâu răng và để hạn chế hơn nữa lượng đường tự do ăn vào dưới 5% tổng năng lượng ăn vào (6), cũng được hỗ trợ bởi các phân tích gần đây khác (7) (2) dựa trên nhận thức rằng các tác động tiêu cực đến sức khỏe của sâu răng là tích lũy, theo dõi từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành (8)(9). Bởi vì sâu răng là kết quả của việc tiếp xúc suốt đời với một yếu tố nguy cơ trong chế độ ăn uống (tức là đường tự do), ngay cả khi giảm một chút nguy cơ sâu răng ở thời thơ ấu cũng có ý nghĩa trong cuộc sống sau này; do đó, để giảm thiểu nguy cơ sâu răng suốt đời, lượng đường tự do nên càng thấp càng tốt. Mặc dù tiếp xúc với florua làm giảm sâu răng ở một độ tuổi nhất định và làm chậm quá trình bắt đầu sâu răng, nhưng nó không hoàn toàn ngăn ngừa sâu răng và sâu răng vẫn tiến triển ở những người tiếp xúc với florua (6).
Một điểm đáng lo ngại là nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ thường tiêu thụ soda, 43% trẻ em năm tuổi được báo cáo uống một phần (serving) soda mỗi ngày, trong khi 4% cho biết uống bốn phần mỗi ngày (10).
Cần lưu ý rằng, chất lỏng không mang lại cảm giác no như thức ăn rắn, vì cơ thể không “ghi nhận” lượng calo lỏng như lượng calo từ thức ăn rắn. Điều này có thể khiến trẻ tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống một loại đồ uống có hàm lượng calo cao, kết quả là một lượng lớn năng lượng tiếp tục được tiêu thụ cùng với lượng đường tự do. Trong thực tế, thường chúng ta hạn chế “ăn” (bánh kẹo ngọt…) nhưng lại ít khi hạn chế “uống” (đồ uống có đường).
Tiêu thụ đồ uống có đường gây tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh không lây nhiễm, rối loạn chuyển hoá về sau này:
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh về tim nguy hiểm nhất bao gồm: đái tháo đường, tiền đái tháo đường, béo bụng, cholesterol cao và huyết áp cao (11).
Tiêu thụ SSB giàu đường fructose có liên quan đến nồng độ kháng Insulin tăng cao ở thanh thiếu niên, và mối quan hệ này có thể thông qua con đường trung gian là do mỡ trung tâm và axit uric huyết thanh tăng (12). Tiêu thụ SSB trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân / béo phì cao hơn ở 5 tuổi, cứ mỗi 100 ml tăng thêm trong tiêu thụ SSB mỗi ngày có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân / béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6 (13).
Tiêu thụ đồ uống có đường đã được chứng minh là có liên quan đến hội chứng chuyển hóa ở thanh thiếu niên (14). Phân tích dữ liệu từ Điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe 2010–2011 ở Đài Loan, trên 1920 thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi cho thấy, trẻ em trai uống ≥7 lon (drinks) nước ngọt (soft drinks) / tuần và trẻ em gái uống ≥7 phần (drinks) trà (tea) / tuần có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hoá cao gấp 4,6 lần và 5,2 lần. Điều đáng chú ý là, nguy cơ này giảm đi từ 0,4 đến 0,5 lần ở những thanh thiếu niên tiêu thụ ≥1 khẩu phần / tuần các sản phẩm sữa và trái cây tươi (15).
Đường thêm vào (added sugars) có liên quan đến các yếu tố nguy cơ chuyển hóa bao gồm béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, kháng insulin và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (16) (17).
Việc tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ béo phì và sâu răng ở trẻ em và thanh thiếu niên, với các bằng chứng chứng minh mối liên quan với tình trạng kháng insulin và các ảnh hưởng liên quan đến caffeine. Nhìn chung, sức mạnh của bằng chứng cho cả bốn hậu quả sức khỏe có thể được cải thiện thông qua việc thực hiện các nghiên cứu can thiệp và theo chiều dọc. Mặc dù mức tiêu thụ đồ uống có đường đã giảm trong 15 năm qua nhưng mức tiêu thụ vẫn ở mức cao (61% trẻ em tiêu thụ ít nhất một đồ uống có đường mỗi ngày). Phần lớn các tài liệu hiện có cho thấy rằng giảm tiêu thụ đồ uống có đường sẽ cải thiện sức khỏe của trẻ em (18).
Ngoài ra không chỉ là các vấn đề bệnh lý mà chúng ta nhận thấy được mà một số nghiên cứu đã chỉ ra, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của trẻ. Bên cạnh rối loạn chuyển hoá, các nhà khoa học còn lo ngại về tác động tiềm tàng của việc uống nước ngọt đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên uống nhiều nước ngọt hơn liên quan đến gặp nhiều vấn đề về cảm xúc và hành vi hơn trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn.
Đồ uống có đường có ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của trẻ hay không?
Các nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nước ngọt và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, nhưng hướng của những tác động này vẫn chưa được biết rõ. Trong một nghiên cứu dọc theo dõi mối liên quan giữa Tiêu thụ nước ngọt và sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, năm 2020 (10). Các cuộc phỏng vấn được thực hiện với 5.147 trẻ em và người chăm sóc trẻ ở các thời điểm trẻ 11, 13 và 16 tuổi. Uống nước ngọt thường xuyên hơn có liên quan đến hành vi hung hăng hơn tại mỗi thời điểm và các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi 11 và 13. Mức tiêu thụ nước ngọt ở lứa tuổi 11 và 13 dự đoán hành vi hung hăng hơn ở thời điểm tiếp theo. Hành vi hung hăng ở tuổi 13 cũng dự đoán mức tiêu thụ nước ngọt nhiều hơn ở tuổi 16. Uống nước ngọt ở tuổi 13 dự đoán ít các triệu chứng trầm cảm hơn, nhưng các triệu chứng trầm cảm không dự đoán việc uống nước ngọt.
Trong mẫu 2929 trẻ em, 52% là trẻ em trai, 51% là người Mỹ gốc Phi, 43% tiêu thụ ít nhất một phần soda mỗi ngày và 4% tiêu thụ 4 phần trở lên mỗi ngày. Trong các phân tích được điều chỉnh cho các yếu tố nhân khẩu học xã hội, tiêu thụ một, hai, ba hoặc bốn hoặc nhiều hơn khẩu phần có liên quan đến điểm số hành vi hung hăng cao hơn so với việc không tiêu thụ soda (19).
Tăng tiêu thụ đồ uống có đường làm giảm cơ hội tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh khác cho trẻ. Khi hàng ngày chúng ta thường xuyên gặp hình ảnh trẻ em cùng với đồ uống có đường trong bữa ăn hàng ngày ngày càng phổ biến, nhiều bố mẹ đã biết đến lượng đường trong đồ uống có đường và tác hại của nó, tuy nhiên có nhiều loại thực phẩm bố mẹ và các em không nghĩ rằng chúng chứa rất nhiều đường.
Điểm quan trọng là xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho cả gia đình.
Đọc nhãn thực phẩm. Điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm để đảm bảo con họ ăn uống lành mạnh là đọc nhãn thực phẩm. Kiểm tra nhãn cho biết lượng đường trong mỗi khẩu phần - và kiểm tra kỹ xem chính xác có bao nhiêu khẩu phần trong một sản phẩm thực phẩm chúng ta tiêu thụ. Thường trên các thực phẩm đóng gói và đồ uống, các thông tin dinh dưỡng sẽ được liệt kê trên 100 g hoặc 100 ml của sản phẩm, trong khi một sản phẩm có trọng lượng và dung tích lớn hơn. Ví dụ: một lon nước ngọt có chứa dung tích là 330 ml, trong khi thông tin khi trên nhãn là tính trên 100 ml; một lon nước tăng lực là 250 ml, một chai nước uống thể thao là 500 ml. Và theo thói quen, chúng ta sẽ uống hết cả lon/chai sản phẩm, như thế lượng đường sẽ lớn hơn so với lượng đường đã được ghi trên nhãn.
Bố mẹ hãy tạo cho bé thói quen đọc nhãn thực phẩm
Khuyến khích cha mẹ sử dụng công thức 5-2-1-0 như một hướng dẫn chung cho sức khỏe hàng ngày:
- 5 phần trái cây và rau (hoặc nhiều hơn!) mỗi ngày (tương đương ít nhất 400 gam rau và trái cây mỗi ngày)
- 2 giờ hoặc ít hơn: hạn chế thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử là dưới 2 tiếng mỗi ngày.
- 1 giờ hoạt động thể chất: chú trọng các hoạt động ngoài trời
- 0 đồ uống có đường: nói không với các đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt có ga, không có ga, nước ép trái cây, đồ uống thể thao hoặc soda, trà uống liền…)
Ăn nhiều trái cây và rau hơn trong ngày là một cách để hạn chế việc ăn vặt các thực phẩm nhiều đường. Trái cây và rau quả sẽ no lâu hơn và sẽ giúp trẻ no lâu hơn - giúp cắt giảm không chỉ lượng đường ăn vào mà còn giảm lượng calo tiêu thụ.
Kiên nhẫn. Các bố mẹ cần kiên nhẫn trong việc thay đổi hành vi ăn uống của con, mất thời gian và đòi hỏi sự kiên trì của bố mẹ và các bạn nhỏ, nhưng nó sẽ có lợi cho sức khoẻ sau này.
Tài liệu tham khảo
1. Minh NTH, Hải TĐ. TÌNH TRẠNG SÂU RĂNG VĨNH VIỄN Ở TRẺ EM VIỆT NAM NĂM 2019. Tạp Chí Học Việt Nam [Internet]. 2021 Jul 24 [cited 2021 Dec 30];502(1). Available from: https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/view/549
2. Sheiham A, James WPT. A new understanding of the relationship between sugars, dental caries and fluoride use: implications for limits on sugars consumption. Public Health Nutr. 2014 Oct;17(10):2176–84.
3. Guideline: sugars intake for adults and children [Internet]. [cited 2021 Oct 12]. Available from: https://www.who.int/publications-detail-redirect/9789241549028
4. Evans CEL. Sugars and health: a review of current evidence and future policy. Proc Nutr Soc. 2017 Aug;76(3):400–7.
5. PAHO. Ultra-processed food and drink products in Latin America: Sales, sources, nutrient profiles, and policy implications [Internet]. Washington, D.C; 2019 [cited 2021 Sep 14] p. 72. Available from: https://iris.paho.org/handle/10665.2/51094
6. WHO | Reducing free sugars intake in children and adults [Internet]. WHO. [cited 2018 Jun 20]. Available from: http://www.who.int/elena/titles/guidance_summaries/sugars_intake/en/
7. Sheiham A, James WPT. A reappraisal of the quantitative relationship between sugar intake and dental caries: the need for new criteria for developing goals for sugar intake. BMC Public Health. 2014 Sep 16;14:863.
8. Broadbent JM, Thomson WM, Poulton R. Trajectory patterns of dental caries experience in the permanent dentition to the fourth decade of life. J Dent Res. 2008 Jan;87(1):69–72.
9. Broadbent JM, Foster Page LA, Thomson WM, Poulton R. Permanent dentition caries through the first half of life. Br Dent J. 2013 Oct;215(7):E12.
10. Mrug S, Jones LC, Elliott MN, Tortolero SR, Peskin MF, Schuster MA. Soft Drink Consumption and Mental Health in Adolescents: A Longitudinal Examination. J Adolesc Health [Internet]. 2021 Jan 1 [cited 2021 Dec 26];68(1):155–60. Available from: https://www.jahonline.org/article/S1054-139X(20)30291-3/fulltext
11. Consensus statements [Internet]. [cited 2022 Jan 6]. Available from: https://www.idf.org/e-library/consensus-statements/60-idfconsensus-worldwide-definitionof-the-metabolic-syndrome.html
12. Lin W-T, Chan T-F, Huang H-L, Lee C-Y, Tsai S, Wu P-W, et al. Fructose-Rich Beverage Intake and Central Adiposity, Uric Acid, and Pediatric Insulin Resistance. J Pediatr [Internet]. 2016 Apr 1 [cited 2021 Dec 26];171:90-96.e1. Available from: https://www.jpeds.com/article/S0022-3476(15)01651-0/fulltext
13. Quah PL, Kleijweg J, Chang YY, Toh JY, Lim HX, Sugianto R, et al. Association of sugar-sweetened beverage intake at 18 months and 5 years of age with adiposity outcomes at 6 years of age: the Singapore GUSTO mother–offspring cohort. Br J Nutr [Internet]. 2019 Dec [cited 2021 Dec 29];122(11):1303–12. Available from: https://www.cambridge.org/core/journals/british-journal-of-nutrition/article/association-of-sugarsweetened-beverage-intake-at-18-months-and-5-years-of-age-with-adiposity-outcomes-at-6-years-of-age-the-singapore-gusto-motheroffspring-cohort/5E0C89E0480B7CF13B31365CAA002152
14. Li S, Cao M, Yang C, Zheng H, Zhu Y. Association of sugar-sweetened beverage intake with risk of metabolic syndrome among children and adolescents in urban China. Public Health Nutr. 2020 Oct;23(15):2770–80.
15. Lin W-T, Lee C-Y, Tsai S, Huang H-L, Wu P-W, Chin Y-T, et al. Clustering of Metabolic Risk Components and Associated Lifestyle Factors: A Nationwide Adolescent Study in Taiwan. Nutrients [Internet]. 2019 Mar 9 [cited 2022 Jan 6];11(3):584. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6471895/
16. O’Connor L, Imamura F, Brage S, Griffin SJ, Wareham NJ, Forouhi NG. Intakes and sources of dietary sugars and their association with metabolic and inflammatory markers. Clin Nutr Edinb Scotl [Internet]. 2018 Aug [cited 2022 Jan 6];37(4):1313–22. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5999353/
17. Vos MB, Kaar JL, Welsh JA, Van Horn LV, Feig DI, Anderson CAM, et al. Added Sugars and Cardiovascular Disease Risk in Children: A Scientific Statement From the American Heart Association. Circulation [Internet]. 2017 May 9 [cited 2021 Dec 26];135(19):e1017–34. Available from: https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/CIR.0000000000000439
18. Bleich SN, Vercammen KA. The negative impact of sugar-sweetened beverages on children’s health: an update of the literature. BMC Obes [Internet]. 2018 Feb 20 [cited 2021 Jul 26];5:6. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5819237/
19. Suglia SF, Solnick S, Hemenway D. Soft Drinks Consumption Is Associated with Behavior Problems in 5-Year-Olds. J Pediatr [Internet]. 2013 Nov 1 [cited 2021 Dec 26];163(5):1323–8. Available from: https://www.jpeds.com/article/S0022-3476(13)00736-1/fulltext
ThS. BS. Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dưỡng