Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để đảm bảo an toàn và giá trị dinh dưỡng

Cập nhật: 12/31/2023 - Lượt xem: 5178

Bảo quản thực phẩm đúng cách là chìa khóa để đảm bảo an toàn và duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Bảo quản thực phẩm đúng cách kéo dài thời hạn sử dụng lâu hơn, tiết kiệm và giảm lãng phí thực phẩm.

Tủ lạnh là một thiết bị gia dụng phổ biến giúp bảo quản thực phẩm tươi ngon và an toàn cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, nếu không bảo quản đúng cách, thực phẩm trong tủ lạnh có thể bị hư hỏng, mất chất dinh dưỡng, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm.

Dưới đây là một số mẹo bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, đảm bảo an toàn và giá trị dinh dưỡng:

 1.  Duy trì nhiệt độ và thời gian bảo quản thực phẩm phù hợp

Ngăn mát tủ lạnh nên được giữ ở 4 độ C, đây là nhiệt độ lý tưởng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giúp thực phẩm giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng. Bạn nên kiểm tra nhiệt độ ngăn mát thường xuyên bằng nhiệt kế để đảm bảo tủ lạnh đang hoạt động đúng cách.

Để thực phẩm trong ngăn mát được bảo quản tốt nhất, nên tránh cất, lưu trữ quá nhiều đồ trong tủ lạnh và để khoảng trống giữa các vật dụng. Điều này sẽ giúp không khí lưu thông, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và giữ cho tủ lạnh hoạt động hiệu quả.

Ngăn đông tủ lạnh nên được đặt ở nhiệt độ từ -18 đến -20 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng để đông lạnh thực phẩm, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và giữ cho thực phẩm giữ được hương vị, độ tươi ngon và chất dinh dưỡng trong thời gian dài.

Dưới đây là bảng thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ đông để duy trì giá trị dinh dưỡng và an toàn:

 
 
2. Phân loại thực phẩm để bảo quản

Phân loại thực phẩm là một trong những bước quan trọng nhất trong việc bảo quản thực phẩm. Việc phân loại thực phẩm đúng cách giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo, hạn chế thực phẩm hư hỏng, mất dưỡng chất và kích thích quá trình chín của trái cây trong tủ lạnh.

Lợi ích của việc phân loại thực phẩm trong tủ lạnh bao gồm:

 Tránh lây nhiễm chéo: Thực phẩm tươi sống có thể chứa vi khuẩn gây hại. Nếu không được phân loại, vi khuẩn từ thực phẩm tươi sống có thể lây lan sang các loại thực phẩm khác, gây ngộ độc thực phẩm.

Hạn chế thực phẩm hư hỏng, mất dưỡng chất: Mỗi loại thực phẩm có nhu cầu bảo quản khác nhau. Việc phân loại thực phẩm giúp bảo quản thực phẩm đúng cách, giúp thực phẩm giữ được lâu và không bị mất chất dinh dưỡng.

 Giảm kích thích quá trình chín của trái cây: Một số loại trái cây chín có thể sản sinh ra khí ethylene, kích thích các loại trái cây còn xanh chín nhanh hơn. Việc phân loại trái cây giúp kiểm soát quá trình chín của trái cây, tránh lãng phí thực phẩm.

Để phân loại thực phẩm trong tủ lạnh, cần thực hiện theo các bước sau:

1. Kiểm tra hạn sử dụng: Xem hạn sử dụng của thực phẩm để phân loại thực phẩm cần sử dụng ngay và thực phẩm có thể sử dụng sau.

2. Phân loại theo nguồn gốc: thực phẩm tươi sống (thịt, cá, trứng, rau củ quả) cần được phân loại riêng với thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đông lạnh. Điều này giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm.

2.1. Thực phẩm tươi sống: Thực phẩm tươi sống có thể chứa vi khuẩn gây hại. Nếu không được phân loại riêng, vi khuẩn từ thực phẩm tươi sống có thể lây lan sang các loại thực phẩm khác, gây ngộ độc thực phẩm.

2.2. Thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn đã được nấu chín hoặc được sơ chế sẵn. Thực phẩm chế biến sẵn có thể chứa vi khuẩn, nhưng vi khuẩn này đã bị tiêu diệt trong quá trình nấu chín hoặc sơ chế. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập vào thực phẩm chế biến sẵn nếu không được bảo quản đúng cách.

2.3. Thực phẩm đông lạnh: Thực phẩm đông lạnh có thể chứa vi khuẩn, nhưng vi khuẩn này đã bị đông cứng và không thể phát triển. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập vào thực phẩm đông lạnh nếu không được bảo quản đúng cách và rã đông ở nhiệt độ phù hợp.

3. Ghi chú ngày sử dụng trên các hộp đựng thực phẩm: Ghi chú ngày sử dụng trên các hộp đựng thực phẩm giúp dễ dàng kiểm soát hạn sử dụng của thực phẩm, tránh sử dụng thực phẩm quá hạn.

Cách bảo quản thực phẩm trong tủ đông.

Bảo quản thực phẩm trong tủ đông là một phương pháp bảo quản thực phẩm hiệu quả và an toàn. Tủ đông có thể bảo quản nhiều loại thực phẩm, từ thịt, cá, rau củ, nước hầm xương đến các loại thực phẩm chế biến sẵn. Bảo quản thực phảm trong tủ đông giúp tiết kiệm thời gian đi chợ và chuẩn bị nấu ăn, đồng thời giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn và duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, việc bảo quản thực phẩm trong tủ đông nên tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây: 

Không để thực phẩm chắn lỗ thông hơi của tủ

Đảm bảo việc lưu trữ trong ngăn đông không vượt quá công suất sử dụng của thiết bị, các lỗ thông hơi không bị bịt kín, đóng đá. Lỗ thông hơi của tủ đông giúp lưu thông không khí, đảm bảo nhiệt độ trong tủ được đồng đều. Nếu thực phẩm chắn lỗ thông hơi, tủ sẽ bị quá tải, giảm hiệu năng và tiêu tốn nhiều điện năng, và ảnh hưởng đến độ an toàn  và chất lượng thực phẩm được bảo quản.

Thực phẩm bảo quản trong tủ đông phải được bao gói:

Khi thực phẩm không được đóng gói tiếp xúc với không khí lạnh dưới 0°C, nước trong thực phẩm sẽ bắt đầu quá trình thăng hoa và hình thành các tinh thể băng trên bề mặt thực phẩm. Các tinh thể băng này sẽ hút lấy độ ẩm từ thực phẩm, dẫn đến việc thực phẩm bị mất nước, khiến trở nên khô, cứng, thay đổi màu sắc và còn có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Do đó khi bảo quản các thực phẩm trong ngăn đá được lâu hơn, nên bọc tất cả thực phẩm trong bao bì phù hợp dành cho tủ đông giúp thực phẩm ngăn ngừa tình trạng mất độ ẩm. 

Ghi nhãn cho các thực phẩm bảo quản

Tương tự như bảo quản thực phẩm trong ngắn mát, ghi nhãn cho mọi thực phẩm trong tủ đông sẽ giúp dễ dàng tìm kiếm khi có nhu cầu sử dụng. Nên ghi rõ tên thực phẩm, ngày đóng băng và ngày hết hạn.

Rã đông an toàn

Rã đông thịt một cách an toàn sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Rã đông  có thể tiến hành trong ngăn mát tủ lạnh, bằng lò vi sóng hoặc lò nướng. Nên rã đông thịt trong tủ lạnh, trên một đĩa hoặc khay có viền để đảm bảo chất lượng của thực phẩm được duy trì tốt nhất. Thời gian rã đông sẽ tùy thuộc vào kích thước của loại thực phẩm. Tuy nhiên, không nên rã đông những bằng cách để ngoài nhiệt độ phòng trong thời gian dài, vì có thể tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật phát triển trong quá trình rã đông.

Tránh việc lặp lại làm đông các thực phẩm đã được rã đông

Làm lạnh thực phẩm đã rã đông nhiều lần có thể khiến thực phẩm mất chất dinh dưỡng, hương vị và thậm chí là bị nhiễm khuẩn. Để tránh tình trạng này, nên cắt/chặt thực phẩm thành các phần vừa đủ cho mỗi lần chế biến. Điều này sẽ giúp sử dụng hết thực phẩm trong một lần rã đông, tránh phải làm lạnh thực phẩm đã rã đông.

Tài liệu tham khảo

 1. Commissioner, Office of the. “Are You Storing Food Safely?” FDA, November 2, 2023. https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/are-you-storing-food-safely.

 2.  “How to Store Vegetables to Keep Them Fresh - Unlock Food.” Accessed December 22, 2023. https://www.unlockfood.ca/en/Articles/Cooking-Food-Preparation/How-to-store-vegetables-to-keep-them-fresh.aspx.

 3. “Say NO to Food Waste! | FAO.” Accessed December 22, 2023. https://www.fao.org/family-farming/detail/en/c/1258723/.

 4. UNL Food. “Home Food Storage,” March 21, 2019. https://food.unl.edu/free-resource/food-storage.

 TS. Nguyễn Quốc Anh – Phó trưởng khoa Vi sinh thực phẩm & Sinh học phân tử - Viện Dinh dưỡng