Viện Dinh dưỡng 30 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật: 12/22/2023 - Lượt xem: 4975

Viện Dinh dưỡng được thành lập ngày 13/6/1980 và là viện nghiên cứu đầu ngành của Bộ Y tế về lĩnh vực khoa học dinh dưỡng, khoa học về thực phẩm và An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Do có những đóng góp to lớn và hiệu quả nói trên, ngày 11/9/2010, Viện Dinh dưỡng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động

Viện có nhiệm vụ xác định một cách khoa học các vấn đề dinh dưỡng quan trọng của đất nước và đề xuất các chiến lược, giải pháp can thiệp đặc hiệu nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho nhân dân. Sau 30 năm xây dựng và phấn đấu, Viện đã đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên môn cao: trong số 147 cán bộ viên chức thuộc biên chế có 7 phó giáo sư, 7 thầy thuốc ưu tú, 17 tiến sĩ, 36 thạc sĩ, 26 nghiên cứu viên chính, 83 nghiên cứu viên.

Ngay từ những năm đầu thành lập trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về vật chất, Viện đã tiến hành điều tra dịch tễ học dinh dưỡng nhằm chẩn đoán các vấn đề dinh dưỡng trọng tâm ở nước ta. Kết quả cho thấy khẩu phần ăn của nhân dân thiếu về số lượng, kém về chất lượng; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) rất cao, thiếu vitamin A, thiếu máu dinh dưỡng là những vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Số liệu điều tra của Viện đã được sử dụng bảo vệ thành công các dự án "Ăn bổ sung cho bà mẹ và trẻ em bị SDD" PAM 2651 và PAM 3844; Giải pháp "Phát triển hệ sinh thái VAC" tạo nguồn thực phẩm tại hộ gia đình cũng góp phần cải thiện bữa ăn và tình trạng dinh dưỡng của nhân dân. Tháng 4/1986 tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng ứng dụng các đại biểu từ 5 châu lục đã biết đến ngành dinh dưỡng ở Việt Nam với những bước đi đầu tiên năng động.

Tiếp theo đó, Viện đã đề xuất các giải pháp dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời triển khai các chương trình phòng chống SDD và thiếu vi chất dinh dưỡng. Viện Dinh dưỡng đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng (KHHĐQGDD) giai đoạn 1995-2000 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhờ đó công tác hợp tác quốc tế được tăng cường và các hoạt động dinh dưỡng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Cũng nhờ có KHHĐQGDD, chương trình dinh dưỡng được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn, có sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng được phân công là đầu mối quốc gia về dinh dưỡng. Từ 1998, chương trình phòng chống SDDTE đã chuyển giao cho Bộ Y tế quản lý, có chiến lược dinh dưỡng đúng đắn (chiến lược dự phòng, ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ cao và xã hội hoá công tác dinh dưỡng).

Triển khai KHHĐQGDD 1995 - 2000 thành công, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng (CLQGDD) giai đoạn 2001-2010; và hiện nay đang xây dựng CLQGDD giai đoạn tiếp theo 2011-2020. Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2000 và 2009; Tổng điều tra tình trạng thừa cân, béo phì ở người Việt Nam năm 2005 đã được tiến hành nhằm đánh giá kết quả triển khai chiến lược và các chương trình dinh dưỡng.

Về công tác nghiên cứu khoa học: Viện đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu đều đạt kết quả cao. Viện cũng đã nghiên cứu và sản xuất 12 loại sản phẩm dinh dưỡng phục vụ cho Chương trình phòng chống SDDTE, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Nhiều đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Úc và nhiều nước khác trong khu vực. Các kết quả nghiên cứu trên đã đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc đề xuất, triển khai: CLQGDD, Chương trình phòng chống SDDTE, Chương trình mục tiêu đảm bảo ATVSTP... Bên cạnh đó, Viện đã xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm ATVSTP đạt tiêu chuẩn ISO-17025 đầu tiên của ngành y tế vào năm 2005. Kết quả nghiên cứu khoa học là hàng trăm bài báo đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và khoảng 100 bài báo đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Về công tác đào tạo: Viện đã chủ động phối hợp với các trường đại học: Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng, Đại học Cần Thơ, Đại học Y Thái Bình, Đại học Nông nghiệp Hà Nội... trong đào tạo cán bộ dinh dưỡng trên toàn quốc. Đến nay đã có trên 50 thạc sĩ dinh dưỡng cộng đồng tốt nghiệp và năm 2005 - Viện Dinh dưỡng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ dinh dưỡng (cho đến nay đã triển khai đào tạo 6 khóa với 29 nghiên cứu sinh và 2 tiến sĩ đã tốt nghiệp).

Trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, có sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ Y tế và sự phối hợp liên ngành cùng với sự nỗ lực của Viện Dinh dưỡng, sự tham gia của các viện khu vực và các địa phương: các chương trình dinh dưỡng đã đạt được những thành tựu đáng kể:

- Trong lĩnh vực phòng chống SDD: Việt Nam được WHO, UNICEF và quốc tế đánh giá là một quốc gia trong khu vực giảm SDD một cách bền vững (giảm từ 1,8 - 2% một năm). Tỷ lệ SDD nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 51,5% năm 1985 xuống còn 18,9% năm 2009 (vượt mức kế hoạch đề ra trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng X đề ra cho năm 2010). Mặt khác, đã có bằng chứng khoa học về gia tăng tăng trưởng về chiều cao của trẻ em và người trưởng thành Việt Nam trong những thập kỷ gần đây (tăng khoảng 1-2cm/1 thập kỷ).

- Chương trình "Bổ sung vitamin A trên toàn quốc" hằng năm khoảng 3,5 triệu trẻ em được uống vitamin A liều cao và đã giúp khoảng hơn 6.000 trẻ em thoát khỏi mù lòa. Đến 1995, Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận bệnh khô mắt do thiếu vitamin A được loại trừ ở Việt Nam, kết quả này đến nay vẫn được duy trì.

- Mạng lưới cán bộ liên ngành làm công tác dinh dưỡng đã được xây dựng vững mạnh từ Trung ương đến địa phương; công tác dinh dưỡng từng bước được xã hội hoá.

Trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, tập thể các thế hệ CBVC Viện Dinh dưỡng đã phấn đấu không ngừng, khắc phục những khó khăn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận dự phòng, đã thực sự đóng góp cho sự thành công của công tác chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho nhân dân. 

Do có những đóng góp to lớn và hiệu quả nói trên, ngày 11/9/2010, Viện Dinh dưỡng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây là một vinh dự to lớn đối với các thế hệ cán bộ của Viện, đồng thời cũng là một trọng trách lớn lao đối với Viện Dinh dưỡng duy trì phát huy những thành tích đã đạt được và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Chiến lược dinh dưỡng trong giai đoạn tới sẽ tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề  "gánh nặng kép về dinh dưỡng": giảm SDD thấp còi cải thiện thể lực và nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam đồng thời phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh là yếu tố then chốt trong bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Những thành tích khen thưởng nổi bật của tập thể và cán bộ Viện Dinh dưỡng trong 30 năm qua:

  • Huân chương Lao động hạng nhì năm 1992
  • Huân chương Quân công hạng ba năm 1996
  • Huân chương lao động hạng nhất năm 2000
  • Cờ thi đua của Bộ Y tế đơn vị thành tích xuất sắc năm 2004
  • Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ đơn vị thành tích xuất sắc năm 2006
  • Huân chương độc lập hạng ba năm 2008
  • Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2010
  • Tập thể nữ cán bộ khoa học Viện Dinh dưỡng đã được Uỷ ban giải thưởng KOVALAVSKAIA trao tặng danh hiệu cao quí này năm 2008.
  • Tập thể Viện được tặng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội và các Bộ, ban ngành khác.
  • 02 đơn vị khoa, phòng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
  • 20 lượt đơn vị được tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc
  • Đảng bộ hàng năm đều được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh xuất sắc, được Đảng bộ TP. Hà Nội tặng Cờ thi đua cho cơ sở đảng trong sạch vững mạnh 5 năm liền 1997-2002
  • Công đoàn hàng năm được công nhận Công đoàn vững mạnh xuất sắc liên tục và được Công đoàn Y tế, LĐLĐTP Hà Nội tặng Cờ thi đua 1993-2007 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2006.
  • Ngoài ra còn có nhiều giải thưởng dành cho các cá nhân của Viện: GS.Từ Giấy, Viện trưởng sáng lập của Viện Dinh dưỡng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000. Giáo sư, TSKH Hà Huy Khôi được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2005. GS.TS. Nguyễn Công Khẩn - Nguyên Viện trưởng và GS.TS. Lê Thị Hợp - Nguyên Viện trưởng đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010.